Phụ huynh lo lắng sức khoẻ của con khi đi học dưới trời nắng nóng. (Ảnh: VNE)
Sau 3 ngày học sinh các khối THCS, THPT cả nước trở lại trường, nhiều phụ huynh phàn nàn khi các con phải ngồi học trong lớp không có điều hoà, thời tiết lên 40 độ C.
Theo khuyến nghị của Bộ Y tế và quy định của Bộ GD&ĐT, các trường không bật điều hòa, chỉ sử dụng quạt và phải mở cửa lớp học để lưu thông không khí.
Phụ huynh Nguyễn Thị Trà My, có con học lớp 10 tại Hà Nội cho biết, ngay sau buổi đầu tiên trở lại trường, con chị về nhà trong tình trạng mệt mỏi, uể oải khác hẳn với tâm trạng háo hức đến trường vào buổi sáng.Hiểu được sự vất vả của con khi đi học vào giai đoạn cao điểm nắng nóng gay gắt, nhưng chị My vẫn lo lắng.
Chị cho rằng quy định lớp học không mở điều hòa nên linh hoạt, tuỳ điều kiện thời tiết. Không thể dưới thời tiết nóng nực mà vẫn bắt các con ngồi học.
"Có khi con phát ốm trước khi nhiễm virus SARS-CoV-2", chị nói.Phụ huynh này cũng băn khoăn tác dụng của việc tắt điều hòa trong lớp để phòng dịch, nhưng khi giải lao các con vẫn chơi cùng nhau, trò chuyện gần gũi thì ai sẽ kiểm soát vấn đề này. "Tôi nghĩ quy định mở/tắt điều hoa nên xem lại cho phù hợp môi trường học đường", phụ huynh nói.
Chị Đào Thanh Hà (Hà Nội) có con gái đang học lớp 8 bày tỏ quy định tắt điều hòa như trở thành “cực hình” với các khối lớp phải học buổi chiều như con chị.
“Con bắt đầu vào học từ 13h đến 13h30, đây là thời điểm nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trong ngày. Nếu chỉ có 4 chiếc quạt trần “phe phẩy” thì khổ cho học sinh quá.
Chưa kể con còn phải đeo khẩu trang cả ngày. Không cho con đi học thì lo không đủ kiến thức, cho đi rồi lại sợ con ốm thêm”, chị Hà nói và cho biết, hiện có nhiều phụ huynh huy động thêm quạt cây cho các con ở trên lớp, nhưng vẫn không thấm vào đâu trong thời tiết nắng nóng này.
Chị mong muốn các nhà quản lý nên “cởi trói” quy định để các con có tâm lý thoải mái nhất, từ đó tiếp thu bài học hiệu quả hơn.
Anh Hoàng Hà Quyền (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang như “ngồi trên đống lửa” khi con gái phải học vào buổi chiều, phòng học lại ở tầng 6. Các tầng càng ở trên cao thì lại càng nóng, nếu không có điều hòa thì khó có thể ngồi học được suốt 4 tiếng đồng hồ.“Con phải leo bộ 6 tầng học, ngồi suốt 4 tiếng đồng hồ trong thời tiết oi bức.
Đến mức quạt trần cũng thổi hơi nóng vào người. Con kể vừa học vừa phải lau mồ hôi mà tôi thấy chẳng khác nào ngày xưa mình đến trường”, anh Quyền than thở.Anh Quyền băn khoăn, tại một số nơi công cộng như trung tâm thương mại hay xe buýt, thang máy… vẫn sử dụng điều hòa. Vậy có quá máy móc khi phải tắt điều hòa ở lớp không?
Một số chuyên gia và được biết ở những nơi như bệnh viện, khu cách ly bệnh nhân COVID-19 nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ cao hơn, do đó cần phải tắt điều hòa. Còn trường học đảm bảo an toàn thì các con mới quay lại lớp. "Vậy nếu an toàn rồi thì tại sao phải máy móc tắt điều hòa trong khi các con phải vừa học vừa lau mồ hôi?”, anh Quyền bày tỏ.Có thể bật điều hòa trong lớp
Nên xem xét lại quy định không bật điều hoà và đeo khẩu trang trong lớp học.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 6/5, các chuyên gia nêu vừa qua một số trường học có biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc, máy móc, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, lớp học không được bật điều hoà.
Những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại cho sức khoẻ của các học sinh.
Chuyên gia đưa ra khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục không nên bắt buộc học sinh ngồi học trong lớp đeo khẩu trang; tập trung nhắc nhở các em phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay thường xuyên; giờ ra chơi phải đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác để hạn chế xác suất lây nhiễm, dù rất nhỏ.
Các phòng học có thể bật điều hoà nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Các phụ huynh cũng không nên cho con đi ra nơi công cộng khi không cần thiết.
Hà Cường - Huyền Trần
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC