Hai bị cáo Loan, Phương tại phiên tòa.
TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa xét xử hai bị cáo Nguyễn Thị Loan (46 tuổi, trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) và Trần Thế Phương (51 tuổi, trú phường Lê Lợi, TP. Vinh) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Tháng 3/2019, hai lao động người Nghệ An và Tiền Giang từ Thái Lan bay sang Pháp thì bị hải quan sân bay nước sở tại phát hiện không đủ giấy tờ theo quy định nên từ chối cho nhập cảnh và trục xuất trở lại Thái Lan. Từ đây, đường dây tổ chức cho lao động người Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài bị Bộ Công an phát hiện.
Từ lời khai của các lao động bị hải quan sân bay Pháp từ chối cho nhập cảnh, cơ quan chức năng đã bắt giữ Nguyễn Thị Loan và Trần Thế Phương. Đây được xác định là hai mắt xích quan trọng của đường dây đưa lao động Việt Nam xuất cảnh trái phép qua Pháp từ Thái Lan, từ Pháp sẽ tổ chức cho các lao động này nhập cảnh trái phép vào nước Đức để làm việc.
Cơ quan chức năng đã làm rõ, khoảng tháng 11/2018, Nguyễn Thị Loan quen biết với người phụ nữ tên Ly Ly (không rõ lai lịch, địa chỉ cụ thể) ở Hà Nội. Người này cho biết có đường dây đi Đức bằng hình thức du dịch cho ai cần.
Các lao động từ Việt Nam sẽ sang Thái Lan bằng hình thức du dịch, chờ 5 đến 10 ngày để làm visa tại Thái Lan. Sau đó sẽ được đưa sang một nước châu Âu, rồi vào Đức lao động. Các lao động không phải đóng tiền trước, chỉ khi nào sang Đức thành công mới đóng 15.500 USD.
Sau khi thỏa thuận, Loan đồng ý chịu trách nhiệm tìm người, thu hồ sơ gồm hộ chiếu, ảnh và báo giá tiền. Tuy nhiên, Loan đã tự ý nâng giá lên là 16.500 USD để hưởng phần chênh lệch.
Khoảng đầu năm 2019, một gia đình ở Nghệ An sau khi nghe tin Loan có khả năng đưa người sang Đức làm việc nên đã liên hệ nhờ giúp đỡ. Loan đã trực tiếp tư vấn, thu hộ chiếu, ảnh và các giấy tờ khác của chị Vũ Thị L. với lời hứa đưa sang Đức làm việc.
Cùng thời điểm này, Trần Thế Phương cũng tư vấn, nhận ảnh, hộ chiếu của chị Trần Thị Thanh N. (quê Tiền Giang) sang Đức làm việc. Phương sau đó đã đưa hồ sơ trên cho Loan để người này gửi ra Hà Nội cho Ly Ly.
Ngày 6/3/2019, theo sắp xếp của người phụ nữ ở Hà Nội chị L. và N. có mặt tại sân bay để làm thủ tục xuất cảnh sang Thái Lan. Đi cùng 2 lao động này còn có 4 lao động khác. Từ Thái Lan, N. và L. lần lượt được các đối tượng trong đường dây tổ chức đưa sang Pháp. Tuy nhiên, khi đến Pháp thì cơ quan chức năng của nước này từ chối cho nhập cảnh và trục xuất 2 lao động này Thái Lan. Sau đó, N. và L. đã trở về Việt Nam. Từ đó, đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài bị lộ diện.
Vào thời điểm sự việc bị phát hiện, Nguyễn Thị Loan đang thi hành bản án 26 tháng tù treo cũng về về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Do Loan đang mang bầu đứa con thứ 7 nên được tại ngoại phục vụ điều tra. Trong khi đó, Trần Thế Phương cũng từng bị xử phạt 2 năm tù về tội danh trên và thi hành xong bản án.
Tại phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Thị Loan và Trần Thế Phương thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Cả hai khai làm theo sự hướng dẫn của người phụ nữ tên Ly Ly ở Hà Nội. Tuy nhiên, hai bên chỉ liên lạc bằng điện thoại chứ chưa gặp mặt. Do thỏa thuận “khi nào sang Đức thành công mới đóng tiền” nên hai bị cáo chưa hưởng lợi khoản tiền nào. Tại tòa, hai bị cáo trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin được giảm nhẹ hình phạt. Bị hại tham dự tòa cũng có lời xin giảm án cho các bị cáo.
HĐXX nhận định hành vi của hai bị cáo là vi phạm quy định về việc tổ chức lao động ra nước ngoài làm việc, ảnh hưởng đến quá trình hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước, làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài, thuộc trường hợp tái phạm. Các bị cáo từng bị xử phạt về tội danh trên nhưng vẫn tái phạm nên là tình tiết tăng nặng.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Loan 24 tháng tù, chuyển bản án 26 tháng tù treo đang thi hành thành 26 tháng tù giam, tổng hợp 2 bản án, buộc bị cáo Loan phải thi hành 50 tháng tù. Bị cáo Trần Thế Phương bị tuyên phạt 6 tháng tù giam về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Nguồn: Gia Ân - Anh Thư/ Congly.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC