Thông tin trên được Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Nghệ An cho biết tại buổi lễ “Kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V. I. Lênin,” tổ chức ở tỉnh này hôm 3 Tháng Tư.
Vị trí khuôn viên đặt tượng Lênin nằm ở vị trí trung tâm, chỗ giao nhau giữa đại lộ Lênin với đường Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh. (Hình: Doãn Hòa/Tuổi Trẻ)
Sau Hà Nội, Nghệ An là tỉnh thứ hai được Việt Nam chọn để dựng tượng đài Lênin.
Theo báo Tuổi Trẻ, việc làm trên là nhằm “thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng CSVN và thỏa thuận giữa hai tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An.
Theo đó, tỉnh Ulyanovsk sẽ đúc tượng Lênin tại Nga và vận chuyển sang lắp đặt tại thành phố Vinh. Trong khi bệ đặt tượng bằng thép cao 3 mét, xây trên khuôn viên có diện tích 1,036 mét vuông ở vị trí trung tâm thành phố Vinh đã được tỉnh Nghệ An xây dựng hoàn thành vào Tháng Sáu, 2020.
Không thấy các báo trong nước loan báo cụ thể về kinh phí đã bỏ ra và nguồn tiền lấy từ đâu để xây khuôn viên nơi đặt tượng đài Lênin.
Tuy nhiên, theo dư luận, kinh phí có lẽ lấy từ ngân sách địa phương, tức tiền thuế của dân nên ém nhẹm không dám công khai do sợ bị công luận chỉ trích, và con số này không phải nhỏ khi xây bệ để đặt tượng có trọng lượng 4.5 tấn, cao 3.6 mét bằng đồng nguyên chất. Đó là chưa kể đến các công trình phụ xung quanh.
Tin cho biết, tỉnh Nghệ An và tỉnh Ulyanovsk, Nga, từ những năm 1990 của thế kỷ trước “đã có mối bang giao thân thiết.”
Trước đó, chính quyền Ulyanovsk cũng đã cho xây dựng quảng trường tượng đài Hồ Chí Minh.
Tượng Lênin bị người dân Đông Âu đem bỏ.
Bình luận trên trang Facebook cá nhân “Bị Cạo Râu,” ông Ngọc Vinh, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nêu: “Tượng này ở Đông Âu người ta đổ bỏ nhiều lắm, sao không xin về dùng mà đúc mới chi cho tốn kém.”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa thẳng thắng: “Giờ còn nhắc đến ông Lênin mới thấy u mê làm sao.”
Báo Nghệ An vào ngày 18 tháng Hai năm 202 từng đăng tải thông tin cho biết thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vừa khởi công xây dựng công trình tượng đài Lênin tại trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, việc xây dựng tượng đài Lênin tại trung tâm thành phố Vinh lần này lại gặp nhiều phản đối từ phía người dân, không chỉ vì số tiền bỏ ra quá lớn so với một tỉnh nghèo hàng nhất nước như Nghệ An, mà còn vì việc này không đem lại ý nghĩa thiết thực cho đời sống người dân.
Lý giải vì sao lại xây tượng người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản tại Nghệ An, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định:
“Quyết định xây tượng đài ngay quê hương ông Hồ Chí Minh theo tôi nghĩ là sự khẳng định, sự lựa chọn của những người đang lãnh đạo chính phủ Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể như ông Nguyễn Phú Trọng có nói ‘kiên định theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh’”.
Dưới góc nhìn cá nhân, cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân đã giải ngũ giải thích vì sao việc này bị cộng đồng mạng và những nhà quan sát không đồng tình:
“Ở góc độ từng là cựu sĩ quan hơn 10 năm cho cộng sản rồi tỉnh ngộ, tôi phát hiện ra (chế độ cộng sản) có nhiều cái đi ngược với xu thế văn minh của thời đại.
Tại sao hàng loạt nước Đông Âu và cả nước Nga đều đập bỏ tượng đài ông này mà Việt Nam lại cứ rước về ‘thờ’, về trưng thì tôi cũng không hiểu. Ông này viết ra chủ nghĩa viển vông, ảo tưởng, không có thật nên người dân phản ứng là đúng. Thực tiễn cuộc sống cho người dân thấy (chủ nghĩa này) chẳng được gì, chỉ đem lại cho nhân loại những thứ lạc hậu, không văn minh cho con người.”
Vẫn theo ông Đức, Lênin thật ra cũng giống những lãnh tụ cộng sản khác, mục tiêu của họ là dùng bạo lực, dùng tuyên truyền lừa mị quần chúng để cai trị nên không cần phải dựng tượng.
Đồng tình với suy nghĩ vừa nêu, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho rằng không nước nào coi ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Mác và Lênin mà chỉ riêng Việt Nam, không những không noi theo những nước văn minh mà còn làm trái ngược.
© 2024 | Thời báo ĐỨC