Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đây là báo cáo của Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế hôm 25-12. Theo phân công của Sở Y tế Hà Nội, Thanh Nhàn đảm nhiệm điều trị F0 thuộc tầng 3.
Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu: khu dành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; khu cho người bệnh mức độ trung bình hoặc có bệnh lý nền (50 giường bệnh); khu dành cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị hệ thống oxy cho 250 giường hồi sức tích cực, chuẩn bị các loại máy thở; xây dựng danh mục thuốc và dự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị.
Bên cạnh việc điều trị F0 thuộc tầng 3, bệnh viện còn phụ trách chỉ đạo tuyến 7 bệnh viện tầng 2, 7 trung tâm y tế trong hỗ trợ chuyên môn, kiểm tra, giám sát, điều tiết bệnh nhân trong công tác chuyển tuyến…
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu quản lý, theo dõi ngăn ngừa ca mắc, ca biến chứng nặng ở nhóm người có nguy cơ cao. Thủ tướng giao Bộ Y tế đảm bảo phân bổ kịp thời, đầy đủ vắc xin cho các địa phương.
Trên cơ sở luật pháp hiện hành, khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc kịp thời, khoa học và hiệu quả; đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá và chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Hướng dẫn quản lý, chăm sóc người bệnh nền, người có nguy cơ cao; kịp thời cập nhật, hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế của Việt Nam.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành có giải pháp quyết liệt, không được để thiếu nguồn cung cấp oxy y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh.
Chịu trách nhiệm chỉ đạo các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và phân phối tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 kịp thời, hiệu quả. Hiện TP.HCM và các tỉnh miền Tây đang thiếu oxy y tế phục vụ điều trị.
Nhân viên y tế phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Số ca COVID-19 ở TP.HCM giảm mạnh
Theo báo cáo Bộ Y tế, trong 24 giờ (từ 16h ngày 25-12 đến 16h ngày 26-12) TP.HCM ghi nhận 544 ca COVID-19 mới, thấp hơn 9 địa phương: Hà Nội (1.910), Tây Ninh (928), Vĩnh Long (889), Bình Định (800), Đồng Tháp (781), Khánh Hòa (763), Cần Thơ (715), Cà Mau (579) và Trà Vinh (572).
Cùng với số ca mắc mới, số ca tử vong tại TP.HCM đã giảm xuống 30% và đang ở mức đầu tháng 10 khi số ca mắc mới hằng ngày còn thấp, theo báo cáo Bộ Y tế ngày 24-12.
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM Phạm Đức Hải cho hay sau khi TP bắt đầu chiến dịch bảo vệ nhóm thuộc nguy cơ cao (từ ngày 7-12), số ca nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm.
Ông nhận định đây là một trong những thành công của chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ.
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
TP.HCM tiêm vắc xin ngay cho F0 vừa khỏi bệnh
Trong kết luận của ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM trong buổi họp trực tuyến về Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ diễn ra mới đây, Sở Y tế TP.HCM lưu ý các đơn vị cần tiêm ngay cho F0 vừa hoàn thành điều trị, không cần chờ 6 tháng.
Theo sở, tất cả F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được sử dụng gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không phải có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, các địa phương cần cấp phát Molnupiravir khi họ có triệu chứng nhẹ.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Miền Nam tiêm mũi 3 nhiều nhất cả nước với 682.270 liều
Cập nhật đến 14h ngày 26-12, cả nước đã tiêm trên 145,5 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó ngày 25-12 tiêm được 1.081.656 liều vắc xin các loại.
Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.
Tính đến hết ngày 25-12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 133.473.771 liều, trong đó có 69.577.941 mũi 1; 61.618.429 mũi 2; 1.115.915 mũi 3 (đối với vắc xin Abdala); 377.729 liều bổ sung và 783.757 liều nhắc lại.
Liên quan tiêm vắc xin mũi 3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 25-12, các tỉnh ở khu vực miền Bắc đến Hà Tĩnh đã tiêm trên 443.000 liều (gồm 210.892 liều bổ sung, 232.620 liều tăng cường), trong đó Hà Tĩnh tiêm nhiều nhất với trên 125.000 liều.
Các tỉnh khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận mới tiêm được trên 25.000 liều, trong đó Khánh Hòa chiếm 50% tổng số liều tiêm mũi 3 của khu vực này.
Cá biệt, khu vực các tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum hiện chỉ có duy nhất Gia Lai triển khai tiêm mũi 3 được 115 liều.
Tại khu vực miền Nam, hiện tiêm mũi 3 nhiều nhất cả nước với 682.270 liều. Sau TP.HCM, Bến Tre đã tiêm hơn 114.700 liều, đứng thứ 3 là Vĩnh Long với trên 51.000 liều, thứ 4 ở khu vực này là tỉnh An Giang với hơn 44.000 liều.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 26-12 cho biết trong 24 giờ, TP ghi nhận 1.887 ca COVID-19, trong đó có 794 ca cộng đồng, 1.321 ca tại khu cách ly và 122 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp TP ghi nhận trên 1.700 ca mắc mới mỗi ngày.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (276); Đống Đa (166); Gia Lâm (145); Đông Anh (138); Ba Đình (138); Thanh Xuân (126); Long Biên (124); Tây Hồ (97); Sóc Sơn (79); Hoài Đức (78).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 39.409 ca. Hơn 20.000 ca dương tính tại Hà Nội đang được điều trị, trong đó có hơn 10.000 người đang cách ly điều trị tại nhà.
- Đến 16h chiều 26-12, tỉnh Hải Dương đã ghi nhận 2.044 ca COVID-19. Trong đó, có 204 ca từ vùng dịch về, 1.288 F1 và cùng nhà, 82 ca ho sốt cộng đồng, 6 bệnh nhân sàng lọc bệnh viện, 199 ca giám sát cộng đồng nguy cơ, 257 trường hợp trong khu phong tỏa, 1 ca là lực lượng phòng chống dịch, 2 ca là nhân viên y tế, 4 công dân là trường hợp nhập cảnh giám sát và 1 ca là trường hợp nhập cảnh.
- Tối 26-12, Hà Nam công bố thêm 49 ca COVID-19. Trong đó có 42 ca liên quan đến ổ dịch tại Công ty Anam Electronics Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng Văn IV). Lũy kế trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.922 ca COVID-19.
- Quảng Bình từ 6h ngày 25-12 đến 6h ngày 26-12 ghi nhận thêm 14 ca COVID-19 cộng đồng; trong ngày có 39 ca xuất viện. Toàn tỉnh hiện có 115 bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.586; số ca điều trị khỏi là 3.140, còn 310 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong.
Hiện 95% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là gần 87,34%.
- Bến Tre từ 18h ngày 25-12 đến 11h ngày 26-12 ghi nhận 391 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 24.799 ca. Trong đó có 13.557 ca kết thúc điều trị, 152 ca tử vong.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC