Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
Theo số liệu của Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, tổng số ca COVID-19 từ đầu vụ dịch đến nay đã vượt 1,641 triệu ca, trong đó có 1,244 triệu ca khỏi, chiếm 75,8%, 31.171 ca đã tử vong (1,9%).
Hiện còn 264.578 ca đang theo dõi, điều trị, trong đó có 7.584 ca nặng, bao gồm trên 1.000 ca thở máy hoặc phải hỗ trợ thở oxy các loại.
So với trung bình 7 ngày trước, Bộ Y tế cho biết dù số ca mắc, ca tử vong vẫn ở mức cao, nhưng cũng có những tín hiệu khả quan ban đầu: số mắc mới chỉ tăng 0,1%, số ca khỏi bệnh tăng cao, số ca nặng giảm 3,3%.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca mắc mới giảm 1,1%, số tử vong ít hơn 1,2%.
Hiện TP.HCM vẫn đứng đầu trong nhóm địa phương có số ca đang điều trị và số ca nặng cao. Số ca chuyển nặng tại Hà Nội cũng đã tăng thêm khá nhanh và ở mức 332 ca. Số mắc mới của Hà Nội cũng tăng nhanh và chuẩn bị tới mức 2.000 ca/ngày.
Nhân viên y tế phường 7, quận Phú Nhuận thăm khám và phát thuốc cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM: Dịch vẫn duy trì ở cấp độ 2
Ngày 25-12, UBND TP.HCM có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 23-12. Theo đó, toàn địa bàn TP.HCM vẫn duy trì ở cấp độ 2.
Đối với cấp quận huyện, có 9 địa phương đạt cấp độ 1 là quận 3, 6, 7, 8, Bình Tân, Tân Phú và huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi. Có 13 địa phương đạt cấp độ 2 là quận 1, 4, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức.
Như vậy, có 2 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Bình và huyện Bình Chánh từ cấp 1 lên cấp 2. Có 2 quận giảm cấp độ dịch là quận Bình Tân từ cấp 2 xuống cấp 1 và quận 10 từ cấp 3 xuống cấp 2.
Đối với xã phường thị trấn, có 160 địa phương cấp độ 1, 139 địa phương cấp độ 2 và 13 địa phương cấp độ 3. Như vậy, có 35 phường xã giảm cấp độ dịch và 18 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Tại buổi họp trực tuyến về chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế TP.HCM cho biết số liệu về nhóm người nguy cơ rất quan trọng do được thu thập trực tiếp từ các mẫu phiếu "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để thu thập.
Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết tất cả trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không cần phải có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, tiến hành cấp phát Molnupiravir khi có triệu chứng nhẹ.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát chất lượng xét nghiệm COVID-19
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng xét nghiệm COVID-19.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, hoạt động kiểm chuẩn bao gồm cả việc đánh giá chất lượng sinh phẩm xét nghiệm, trong đó tập trung vào xét nghiệm COVID-19, cải thiện chất lượng xét nghiệm và báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh hằng tháng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng từ ngày 27-4 đến nay (đợt dịch thứ 4) đã có 29,6 triệu xét nghiệm được thực hiện cho trên 73,8 triệu lượt người.
Tiêm vắc xin mũi 2 Pfizer cho học sinh khối lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM sáng 23-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đà Nẵng cung ứng hàng hóa, thực phẩm theo từng cấp độ dịch
Đà Nẵng vừa ban hành phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, trong điều kiện bình thường mới (cấp độ dịch là cấp 1) và trong điều kiện nguy cơ trung bình (cấp độ dịch là cấp 2), đơn vị cung ứng, phân phối được phép hoạt động chợ truyền thống, chợ đầu mối; trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng lương thực, thực phẩm; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thương mại khác. Điều kiện hoạt động phải đảm bảo 5K, quét mã QRcode, tiêm vắc xin COVID-19.
Trong điều kiện nguy cơ cao (cấp độ dịch là cấp 3), các chợ truyền thống, bao gồm cả khu vực bán lẻ nằm trong chợ đầu mối chỉ được phép bán mang về đối với hàng ăn uống, không phục vụ tại chỗ; bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng, quầy hàng, có vách ngăn giữa người bán và người mua và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối phục vụ tối đa 20 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người.
Ngoài các quy định giống như ở điều kiện nguy cơ cao (cấp độ dịch là cấp 3), trong điều kiện nguy cơ rất cao (cấp độ dịch là cấp 4), các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối (trừ khu vực bán lẻ) phục vụ tối đa 10 người cùng một thời điểm, đảm bảo giãn cách 2 mét giữa người với người. Đặc biệt, người tham gia hoạt động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 25-12 cho biết trong 24 giờ qua TP ghi nhận 1.879 ca COVID-19, trong đó có 549 ca cộng đồng, 1.272 ca trong khu cách ly và 58 ca trong khu phong tỏa. Một số quận/huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (207); Đống Đa (166); Long Biên (120); Thanh Trì (108); Thanh Xuân (104); Đông Anh (96); Hoàn Kiếm (93).
Một số quận, huyện nhiều ca cộng đồng như: Hoàng Mai (60); Thanh Xuân (51); Đống Đa (48); Thanh Trì (46); Long Biên (37); Tây Hồ (30). 8 quận cấp độ 3 gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 37.522 ca, trong đó số ca cộng đồng 13.539 ca, số ca đã được cách ly 23.983 ca.
- Sáng 25-12, Hà Nam công bố thêm 28 ca COVID-19, trong đó có 19 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế và 9 F0 là F1 đang cách ly tại nhà. Lũy kế trong đợt dịch mới từ ngày 19-9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 1.802 ca.
Hà Nam yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện dã chiến số 1, Bệnh viện Lao & bệnh phổi; Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Lý; trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; Bệnh viện Đa khoa Hà Nội - Đồng Văn sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, đáp ứng các cấp độ dịch COVID-19.
- Quảng Trị vừa ghi nhận thêm 158 ca COVID-19, trong đó có 103 ca cộng đồng. Các ca cộng đồng nhiều nhất tại TP Đông Hà với 78 ca. Ngoài ra, huyện Gio Linh có 16 ca, huyện Cam Lộ 3 ca, huyện Hướng Hóa 2 ca, huyện Triệu Phong 2 ca, huyện Đakrông 1 ca và huyện Hải Lăng 1 ca.
- Từ 6h ngày 24-12 đến 6h ngày 25-12, Quảng Bình ghi nhận thêm 69 ca COVID-19 mới, trong đó có 63 ca cộng đồng, 37 ca liên quan đến chùm ca bệnh Phù Ninh (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch). Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.572; số ca điều trị khỏi là 3.101, còn 310 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 84 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
- Bến Tre từ 18h ngày 24-12 đến 11h ngày 25-12, tỉnh ghi nhận 119 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 24.369 ca. Trong đó, có 12.962 ca điều trị khỏi bệnh, 145 ca tử vong.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC