Tiến sĩ Văn hóa: 'Phát ngôn của Kiều Thanh, Kim Oanh làm hại phụ nữ'

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết những phát ngôn bênh vực hai nghệ sĩ khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng Tây Ban Nha đều thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật.

Vụ việc hai nghệ sĩ Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng vướng cáo buộc cưỡng hiếp một cô gái 17 tuổi người Anh trên đảo Mallorca (Tây Ban Nha) trở thành tâm điểm dư luận trong những ngày qua.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết hai nghệ sĩ đã có luật sư và đang tại ngoại, chờ gặp thẩm phán tại Tây Ban Nha. Đến ngày 6/7, nhà chức trách Tây Ban Nha chưa đưa ra kết luận về vụ việc.

Điều đáng nói khi cơ quan chức năng sở tại vẫn trong quá trình điều tra, không ít nghệ sĩ trong nước đã lên tiếng bênh vực, bảo vệ hai nghệ sĩ nói trên. Những phát ngôn của Kiều Thanh, diễn viên Kim Oanh, Bình An... nhận sự chỉ trích từ cộng đồng mạng vì bênh vực vội vàng, quan điểm lệch lạc.

Trao đổi với Zing, chuyên gia sử học Dương Trung Quốc - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV - cho biết những phát ngôn bênh vực hay lên án hai nghệ sĩ khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng Tây Ban Nha đều vội vàng, thể hiện sự thiếu hiểu biết pháp luật.

1 Tien Si Van Hoa Phat Ngon Cua Kieu Thanh Kim Oanh Lam Hai Phu Nu

''Nghệ sĩ phải thận trọng khi phát ngôn''

 

Theo góc nhìn của chuyên gia sử học Dương Trung Quốc, việc nhiều nghệ sĩ lên tiếng bênh vực Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng khi cơ quan chức năng của Tây Ban Nha chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc đều thể hiện sự thiếu bình tĩnh, nóng vội.

"Hiện tượng này xuất hiện trong thời đại mà mạng xã hội phát triển, con người có thể tự do đưa ra những phát ngôn khác nhau. Tuy nhiên, trong không gian nào, công dân cần phải hiểu biết pháp luật trước khi đưa ra phát ngôn trên mạng xã hội. Khi thông tin chưa chuẩn mực thì không nên phát ngôn, đặc biệt là người nổi tiếng", ông Dương Trung Quốc trao đổi.

Chuyên gia sử học nói thêm những phát ngôn của Kiều Thanh hay Kim Oanh đều đến từ quan điểm cá nhân. Họ có thể bênh vực Hồng Đăng, Hồ Hoài Anh vì tình cảm, niềm tin dành cho đồng nghiệp hoặc bột phát, cảm tính, thiếu suy nghĩ.

Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc đánh giá những phát ngôn kể trên đều vội vàng, thiếu hiểu biết về pháp luật.

"Tôi cho rằng mọi ý kiến, dù bênh vực hay lên án trong thời điểm này đều vội vàng. Mọi thứ chưa rõ ràng. Chúng ta cần chờ kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng của nước sở tại. Hơn nữa, vụ việc này không xảy ra trong nước nên mỗi cá nhân khi phát ngôn đều phải thận trọng khi nhìn nhận, quan sát, đánh giá, không cảm tính", ông Dương Trung Quốc cho biết.

Khi được hỏi về sự việc Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng vướng cáo buộc cưỡng hiếp tại Tây Ban Nha, chuyên gia sử học cho rằng bài học lớn nhất cho mỗi người là sự giáo dục, sống không buông thả. Đồng thời, khi đến một quốc gia khác, mỗi cá nhân cần trang bị những hiểu biết về pháp luật, văn hóa, tập quán của nơi mình đến.

"Khi muốn hội nhập, mỗi người phải nắm bắt những chuẩn mực xã hội hiện đại. Đối với những nền văn hóa khác thì phải hiểu rõ trước khi đến. Con người phải thận trọng hơn, không thể buông thả được", chuyên gia sử học nêu quan điểm.

"Phát ngôn của Kiều Thanh, Kim Oanh làm hại phụ nữ"

PGS.TS Nguyễn Phương Mai - giảng dạy và nghiên cứu Giao tiếp/Quản Trị đa văn hóa tại Khoa Kinh tế thuộc ĐH Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam Hà Lan - cho rằng phát ngôn của Kiều Thanh, Pha Lê là những ví dụ điển hình về "tính nam độc hại" và phân biệt giới tính (Internalized Sexism).

"Trước hết, đó là cách 'vơ đũa cả nắm', gộp mấy chục triệu đàn ông Việt Nam vào một rọ. Phát ngôn ấy cho rằng sự lang chạ, ngoại tình, ăn vụng bên ngoài, đi tìm của lạ là một phần bản chất của tất cả đàn ông. Ai không có chắc có lẽ không phải đàn ông đích thực. Đó cũng là tư tưởng coi thường đàn ông, đặt họ ở tầm bản năng thay vì bản lĩnh, nhìn họ như những con đực đói sex. Nó gạt ra ngoài những người đàn ông văn minh, chung thủy, những người đàn ông theo đuổi những giá trị khác biệt hơn là sự phồn thực nông nổi của thịt da", tiến sĩ Nguyễn Phương Mai phát ngôn.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, những phát ngôn nói trên không những coi thường đàn ông mà còn gián tiếp làm hại chính phụ nữ, biến họ trở thành nạn nhân. Trong trường hợp người phụ nữ bị tấn công tình dục, họ là người phải chịu trách nhiệm vì không bảo vệ được mình. Hơn thế, việc bình thường hóa tội gian dâm của đàn ông biến các bà vợ thành nạn nhân tiềm năng.

"Thử hỏi có nghệ sĩ nổi tiếng nào dám tuyên bố rằng 'ngoại tình' là văn hóa của đàn bà? Rằng phụ nữ ở nhà ăn khoai lang mãi cũng chán nên đi nước ngoài bà nào chả muốn thử khoai tây? Thử hỏi có ai hạ thấp lý trí và bản lĩnh của phụ nữ như vậy không. Đàn ông cũng là người. Bản chất của chữ 'đàn ông' không nhất thiết phải là xấu xí. Họ xứng đáng được tôn trọng và đánh giá theo một thang điểm công bằng, văn minh hơn", tiến sĩ Nguyễn Phương Mai cho biết.

Tác giả Tôi là một con lừa kết luận: "Ta không nên biến sai thành đúng, biến đen thành trắng, bình thường hóa chuyện lang chạ, bình thường hóa chuyện lừa dối, đổi màu cái sự ngoại tình, 'thử của lạ' và gian dâm thành một nét văn hóa (đàn ông), đổi màu sự bê tha, buông thả thành bản chất giống loài (đàn ông), đánh tráo khái niệm để định nghĩa lại thế nào là con người có lý trí".

2 Tien Si Van Hoa Phat Ngon Cua Kieu Thanh Kim Oanh Lam Hai Phu Nu

Chuyên gia sử học cho rằng phát ngôn bênh vực hay lên án đối với vụ việc Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng đều vội vàng, thiếu hiểu biết pháp luật. Ảnh: Phú Thọ.

Những ngày qua, NSƯT Kiều Thanh (Nhà hát Kịch Hà Nội) là nghệ sĩ nhận nhiều chỉ trích từ người hâm mộ sau phát ngôn về "văn hóa đàn ông" (từ dùng của nữ diễn viên) liên quan đến vụ việc của Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng.

Cụ thể, chị viết: "Đàn ông đi nước ngoài ông nào chẳng thử... Không chủ động thì cũng bị tác động bởi bạn bè hoặc fan mời, tặng. Ở nước ngoài, các bạn phát triển dậy thì sớm từ 12, 13 tuổi. Vào đúng hai anh đẹp trai lại nổi tiếng nên thành to chuyện. Có khi là người bình thường thì bạn nữ kia 'ok' ngay".

Sau những phản ứng của khán giả, Kiều Thanh đã xóa chia sẻ trên trang cá nhân. Song nữ nghệ sĩ không lên tiếng xin lỗi hay có động thái nào khác về phát ngôn gây tranh cãi. Ca sĩ Pha Lê cũng bị chỉ trích vì góc nhìn tương tự đàn chị. Cô nêu quan điểm: "Đàn ông mà không chơi gái mới là lạ, đen thôi, đỏ quên đi, không có gì phải sốc hết. Thế mới là đời".

Ngoài ra, diễn viên Kim Oanh cũng là nghệ sĩ trực tiếp thách thức dư luận, công khai bênh vực hai nghệ sĩ đang vướng vào cáo buộc.

"Tất cả chúng ta đều là những con người không hoàn hảo sống trong một thế giới không hoàn hảo. Vậy nên tôi bênh các bạn tôi đấy, tôi bênh đồng nghiệp của tôi đấy. Thì sao? Các bạn tôi làm đúng tôi cũng bênh, làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh đấy", Kim Oanh viết.

Không chỉ Kim Oanh, Kiều Thanh, một gương mặt khác là diễn viên Bình An cũng chia sẻ: "Xin phép hủy kết bạn những ai không cùng quan điểm. Thực sự đáng sợ những con người như vậy. Đúng sai chưa rõ mà đã hùa nhau nói xấu. Cười người hôm trước, hôm sau người cười".

Theo Zing


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày