Sáng nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đơn vị chế tác và bảo quản cá thể Rùa Hoàn Kiếm cuối cùng đã bàn giao tủ bảo quản, trưng bày và mẫu vật rùa Hoàn Kiếm cho UBND thành phố Hà Nội.
Ảnh: Nguyễn Hoài
Mẫu vật cụ rùa được chế tác theo phương pháp nhựa hóa, phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Do Việt Nam chưa làm được kỹ thuật này nên việc chế tác do hai nhà chế tác hàng đầu của bảo tàng Berlin, Đức thực hiện.
Theo PGS.TS Phan Kế Long, Phó Tổng giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, mẫu vật cụ rùa không chỉ nhận được sự quan tâm của Việt Nam mà còn nhận được sự quan tâm của các bảo tàng đối tác ở Đức gồm Bảo tàng Berlin, Bảo tàng ErFurt của Đức. Vì thế, hai bảo tàng đồng ý để chuyên gia sang Việt Nam chế tác mẫu cụ rùa song vẫn trả lương thời gian họ ở Việt Nam. Vì thế giúp giảm chi phí quá trình chế tác cụ rùa.
PGS.TS Phan Kế Long chia sẻ thêm, không chỉ các bảo tàng Đức, ông Bodo Ramelow, Thủ hiến bang Thüringen của Đức cũng rất quan tâm đến mẫu vật cụ rùa. Ông Bodo Ramelow rất quan tâm đến bảo tồn. Tại bang của ông có một trung tâm bảo tồn linh trưởng lớn nhất thế giới.
Trong chuyến đi đến Việt Nam vào tháng 4/2019 tới đây, ông Bodo Ramelow cùng hơn 100 đại biểu khác sẽ đến thăm quan mẫu vật cụ rùa đang được trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. PGS.TS Phan Kế Long cho biết, mẫu vật cụ rùa thuộc loại độc đáo của thế giới do mẫu lớn, hiếm có, việc chế tác mất nhiều công sức, thời gian.
Trước đó, cụ rùa được phát hiện chết ngày 19/1/2016 gần khu vực đường Lê Thái Tổ và đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở hồ Gươm.
UBND thành phố Hà Nội sau đó quyết định bảo quản cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa-phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn).
Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ này nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã thuê hai chuyên gia hàng đầu từ Bảo tàng Berlin của Đức.
Dự kiến ban đầu việc chế tác diễn ra trong một năm. Tuy nhiên việc chế tạc cụ rùa chậm hơn so với dự kiến do mẫu vật quá lớn lại thuộc hàng độc. Cụ rùa có chiều dài 2,08 mét, rộng 1,08 mét, nặng 169kg, thuộc mẫu vật lớn nhất được bảo quản từ trước đến nay.
Cũng do cụ rùa là mẫu vật lớn, độc, đặc biệt quý hiếm nên vật liệu chế tạo được nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều bộ phận phải đặt hàng, sản xuất đơn chiếc như mắt. Riêng tủ kính để trưng bày cụ rùa cũng được đặt hàng riêng một công ty của Đức. Tủ trưng bày cụ rùa phải đảm bảo về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, tránh tia UV. Các hệ thống để duy trì các yếu tố trên sẽ nằm hoàn toàn bên dưới để hình ảnh trưng bày được đẹp nhất.
Theo TS Long, quá trình chế tác đòi hỏi sự tỉ mỉ cần trọng, trong đó chế tác mắt rùa là khâu quan trọng nhất và khó nhất vì mắt thể hiện hồn của mẫu vật.
Các chuyên gia Đức phải tiến hành nghiên cứu trên website, đo đạc, nhìn ảnh cụ rùa lúc còn sống, nhìn vân, nhìn con người, ánh mắt để khi làm xong, đôi mắt sẽ tạo ra được thần thái cụ rùa như mong muốn.
Nguyễn Hoài
Tiền Phong Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC