Thỏa thuận ‘ma’ với chủ tịch Vạn Thịnh Phát, một giám đốc được bà Trương Mỹ Lan cho 1.500 tỉ

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chỉ đạo thành lập nhiều công ty “ma”, thuê hàng trăm người đứng tên lập khống hồ sơ hơn 1.000 khoản vay tại SCB. Bà Lan dùng chiêu vung tiền cho người giúp sức, trong đó có giám đốc được cho đến 1.500 tỉ.

1 Thoa Thuan Ma Voi Chu Tich Van Thinh Phat Mot Giam Doc Duoc Ba Truong My Lan Cho 1500 Ti

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân bị truy tố trong vụ án - Ảnh: Bộ Công an

Những thỏa thuận "ma" 

Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, một trong những thủ đoạn chủ tịch Vạn Thịnh Phát sử dụng để "rút ruột" Ngân hàng SCB là chỉ đạo thành lập các công ty "ma", nhờ đứng tên hồ sơ, cổ phần, tài sản đảm bảo để tạo lập hồ sơ vay khống.

Đồng thời, nhóm của Vạn Thịnh Phát cũng câu kết với một số cá nhân là giám đốc, chủ sở hữu các công ty có liên quan để lập khống hồ sơ vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Thanh Tùng (chủ tịch HĐQT Công ty dầu khí Đông Phương) có quan hệ quen biết với bà Trương Mỹ Lan - chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Với mục đích rút tiền của Ngân hàng SCB, tháng 5-2022, bà Lan đã thỏa thuận việc sử dụng các công ty trong nhóm của ông Tùng để đứng tên, tạo lập hồ sơ vay vốn. Tài sản đảm bảo do bà Lan đưa ra, còn tiền rút được cả hai cùng lấy sử dụng - cáo trạng nêu.

Thực hiện thỏa thuận "ma" với chủ tịch Vạn Thịnh PHát, ông Tùng chỉ đạo cấp dưới đưa thông tin 35 công ty cho nhân viên SCB lập 37 hồ sơ vay hơn 1.700 tỉ đồng. 

Theo định giá lại, tổng tài sản đảm bảo các khoản vay này chỉ có trị giá hơn 880 tỉ.

Trong các khoản vay trên, có 11 hồ sơ vay vốn, giải ngân 443,6 tỉ đồng với mục đích sử dụng vào việc nộp thuế cho Công ty Đông Phương.

Tổng dư nợ các khoản vay mà nhóm ông Tùng giúp sức cho chủ tịch Vạn Thịnh Phát là hơn 1.700 tỉ, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo, ông Tùng phải chịu trách nhiệm gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 850 tỉ đồng.

Giám đốc được chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho 1.500 tỉ

Theo cáo trạng, ông Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty Tường Việt) quen biết chủ tịch Vạn Thịnh Phát từ cuối năm 2020.

Khoảng tháng 4-2021, bà Lan trao đổi, thỏa thuận với ông Trước về việc chuyển nhượng dự án Thanh Yến cho giám đốc này và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỉ đồng.

Theo thỏa thuận, ông Trước không phải thanh toán tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB, số tiền nhận nợ là 3.500 tỉ đồng. Trong đó, 2.500 tỉ là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỉ còn lại để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.

Ông Dương Tấn Trước đã chỉ đạo nhân viên thành lập Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ vay vốn tại SCB. 

Ngân hàng đã ký thỏa thuận cho vay đối với Công ty Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh, số tiền giải ngân lần lượt là 1.700 tỉ đồng và 1.800 tỉ đồng.

Sau khi giải ngân, tiền được chuyển lòng vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, công ty thuộc nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát để bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Đồng thời ông Trước giúp bà Lan thực hiện công việc liên quan đến việc xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi Đèn Đỏ, thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của dự án Mũi Đèn Đỏ.

2 Thoa Thuan Ma Voi Chu Tich Van Thinh Phat Mot Giam Doc Duoc Ba Truong My Lan Cho 1500 Ti

Dự án Mũi Đèn Đỏ liên quan trực tiếp đến những sai phạm của Vạn Thịnh Phát - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do đó, chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung (phó tổng giám đốc SCB) làm hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỉ đồng.

"Việc này thực chất là rút tiền SCB để Trương Mỹ Lan cho Dương Tấn Trước số tiền trên'' - cáo trạng nêu.

Theo cơ quan truy tố, thời điểm đó Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản đảm bảo, nhưng vẫn thực hiện vay vốn tại SCB, ký thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng 1.500 tỉ đồng.

Ngân hàng SCB đã giải ngân cho Công ty Tường Việt 1.498 tỉ đồng, trong số này bà Lan chỉ đạo giữ lại 240 tỉ. Sau đó bà Lan tiếp tục chỉ đạo lập hồ sơ vay vốn khống để rút thêm tiền chuyển cho ông Trước bù vào số tiền bà Lan giữ lại.

Viện kiểm sát cáo buộc 15 khoản vay đứng tên các công ty Thuận Tiến, Khánh Minh, Tường Việt, Việt Đức có tổng dư nợ là hơn 5.695 tỉ đồng. Đối với 18 khoản vay trong hạn mức 1.500 tỉ đồng của Công ty Tường Việt, còn dư nợ hơn 1.300 tỉ.

Ông Dương Tấn Trước bị cáo buộc đã giúp sức, đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.752 tỉ đồng.

Xin nộp hơn 2.200 tỉ để khắc phục hậu quả

Ngoài ra, ông Trước còn nhận của bà Lan số tiền hơn 2.600 tỉ. Trong số tiền này, ông Trước đã đưa lại bà Lan 492 tỉ đồng (thông qua Trương Huệ Vân), đến nay còn hơn 2.200 tỉ.

Sau khi vụ án được khởi tố, ông Dương Tấn Trước đã trả SCB hơn 813 tỉ đồng và nộp khắc phục 52 tỉ đồng. Ông Trước cũng xin nộp lại số tiền hơn 2.200 tỉ đồng đã nhận từ bà Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày