"Với quy mô diện tích khoảng 22.000 ha, dân số trên 1 triệu người và đóng góp 1/3 cho nền kinh tế TP.HCM, đơn vị hành chính được sáp nhập từ quận 2, quận 9 và Thủ Đức phải là thành phố chứ không thể là quận", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định về đề án thành phố phía đông TP.HCM tại Hội nghị lần thứ 43 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nhân cho rằng việc thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM sẽ tổng hòa được những điểm mạnh riêng của từng quận, hình thành động lực phát triển mới cho toàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM phân tích 3 quận phía đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức hiện tại được tách ra từ đơn vị hành chính quận Thủ Đức trước đây. Thời gian qua, cả 3 quận đều đạt mức tăng trưởng tốt và được định hướng là nơi có cường độ ứng dụng công nghệ cao nhất nước trong tương lai.
Cả 3 quận có 6 khu chức năng đặc thù của thành phố nhưng nằm tách biệt, không đảm bảo tính liên thông. Trên cơ sở đó, TP.HCM đã xây dựng đề án sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố phía đông và nơi này sẽ có HĐND theo quy định.
Thành phố phía đông gồm quận 2, quận 9, Thủ Đức tạm lấy tên Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cho biết tên gọi của thành phố mới sẽ được thống nhất sau khi đề án được Quốc hội thông qua. Trong thời gian chờ đợi, thành phố trong tương lai sẽ tạm lấy tên là thành phố Thủ Đức.
Trong phần thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi trên. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng thành phố Thủ Đức là tên gọi phù hợp với bối cảnh hiện tại.
"Tên gọi này gắn liền với quá trình lịch sử, văn hóa của quận 2, quận 9 và Thủ Đức", bà Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ.
Theo: ZING.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC