Sau một đêm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, sáng 17/1 trung sĩ Dương Văn Nam, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa, đã hồi tỉnh song còn yếu. Cổ họng đau rát, khó thở nên anh đang được bác sĩ truyền nước giải độc và uống sữa thay cơm.
Trung sĩ Dương Văn Nam đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cùng hai đồng đội. Ảnh: Lê Hoàng.
Tối 16/1, trong vụ cháy tòa nhà 11 tầng số 38 đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa, anh Nam cứu được hai người mắc kẹt, trong đó có một phụ nữ. Vì nhường bình dưỡng khí cho nạn nhân, anh suýt mất mạng trước khi được đồng đội cứu.
Nằm trên giường bệnh, vẻ mặt mệt mỏi, anh Nam kể hơn 18h30 hôm qua nhận lệnh cùng đồng đội đi chữa cháy ở đại lộ Lê Lợi. Đến nơi, khói lửa đang nghi ngút bốc lên từ tầng 3. Đơn vị chia thành nhiều tổ, một tổ dùng xe thang, vòi rồng phun nước từ phía mặt tiền. Nam được phân công vượt qua tầng hầm vào sau tòa nhà, tìm cách tiếp cận các tầng giải cứu người mắc kẹt.
Cùng đồng đội lên đến tầng 4, Nam tìm thấy một người đàn ông. Sau khi đưa anh này xuống đất an toàn, anh tiếp tục đeo bình dưỡng khí leo cầu thang bộ lên các tầng cao hơn. Đến tầng 9, anh nhìn thấy một phụ nữ đang cố lết dưới sàn. Trong tình huống nguy cấp, Nam cởi mặt nạ dưỡng khí nhường cho chị này rồi cố dìu nạn nhân đi xuống. Tuy nhiên, do khói dày đặc, họ không thể thoát.
"Nhiệm vụ cứu người được ưu tiên hàng đầu, tôi không kịp nghĩ cho an toàn của bản thân nữa", trung sĩ trẻ nói. Tuy nhiên, bình dưỡng khí cũng cạn kiệt, không còn cách nào khác, anh phải dìu nạn nhân quay vào nhà vệ sinh xả nước mong có thêm không khí.
Thời khắc lâm nguy, Nam đã có lúc tuyệt vọng nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng vẫn mong đồng đội kịp ứng cứu. Cầm chiếc điện thoại của một người đàn ông đưa cho để soi đường, nhưng Nam không thể gọi cho đội cứu hộ phía dưới vì căn phòng vệ sinh ngập nước, quần áo và đôi tay ướt sũng...
Một cảnh sát trẻ kiệt sức sau khi làm nhiệm vụ đêm 16/1 ở TP Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng. |
Gần một giờ sau, Nam và nữ nạn nhân được tìm thấy nhưng đều ngất xỉu. Người phụ nữ được Nam nhường bình dưỡng khí hiện hôn mê sau nhiều giờ dùng máy trợ lực ở khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa.
Vào ngành được ba năm, trung sĩ Nam chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi thấy đám cháy nguy hiểm như lần này bởi rất nhiều nạn nhân mắc kẹt và kết cấu tòa nhà có nhiều lớp kính nên khó tiếp cận". Trước đó đêm 25/12/2018, khi đang khống chế đám cháy tại một doanh nghiệp ở xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Nam nhiễm khói độc phải vào viện điều trị.
Ngồi bên cạnh chăm sóc con trai, bà Hoàng Thị Hồng bảo vẫn chưa hết sợ hãi khi nhận tin con phải nhập viện. Đêm qua bà đọc báo biết tin cháy ở thành phố nhưng không nghĩ lại lớn đến vậy. Suốt đêm qua, người mẹ nóng ruột, không ngủ. Đầu giờ sáng nay nghe đơn vị báo tin về sức khỏe con trai, bà Hồng tức tốc đến thăm. Vừa trông thấy con, người mẹ bật khóc.
"May mắn con bảo toàn sinh mạng, nếu không tôi chẳng biết sống ra sao", người mẹ sụt sùi nói và cho hay rất tự hào khi nghe đồng đội thuật lại nghĩa cử quên mình cứu người của con trai.
Nằm điều trị bên cạnh đồng đội, binh nhất Tống Văn Đông, 20 tuổi, cũng bị ngạt khói. Khi khói lửa bao trùm tòa nhà, anh và đồng đội nhận nhiệm vụ đeo bình dưỡng khí, mặt nạ tiến vào trong. Khói khét lẹt mù mịt khắp các lối đi, nhóm lính cứu hỏa phải dò dẫm từng bước với hy vọng thấy được ai đó.
"Có tiếng người la hét ở tầng 8", đồng đội hô hoán, Đông leo lên và phát hiện một phụ nữ mắc kẹt. Cởi bình dưỡng khí nhường nạn nhân, binh nhất dìu chị đi xuống dưới nhưng đến tầng 7 thì cả hai ngạt khí. Tỉnh dậy, họ đã nằm trong bệnh viện.
Đêm qua, nhà chức trách huy động hàng chục xe chữa cháy và cứu thương đến hiện trường khống chế lửa và đưa người đi cấp cứu. Ảnh: Lê Hoàng. |
Thiếu tá Lê Trọng Tài, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho hay đêm qua đơn vị đã điều gần 200 cán bộ chiến sĩ chữa cháy tòa nhà 11 tầng. Trong lúc làm nhiệm vụ, ba chiến sĩ bị thương. Ngoài trung sĩ Dương Văn Nam, binh nhất Tống Văn Đông còn có trung úy Vũ Việt Dũng, 28 tuổi. Hiện sức khỏe của ba người tiến triển tốt.
"Chúng tôi cố gắng hạn chế rủi ro, nhưng việc cán bộ chiến sĩ gặp nạn khi chữa cháy là không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong những tình huống nguy cấp", thiếu tá Tài nói.
Sáng 17/1, thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi, biểu dương tinh thần dũng cảm của nhóm cán bộ bị thương.
Hơn 18h ngày 16/1, tầng 3 tòa nhà dầu khí 11 tầng nằm trên đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa bùng cháy. Khoảng hai giờ sau, hỏa hoạn được khống chế nhưng hai phụ nữ chết vì ngạt khói, 13 người bị thương.
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay trong số bệnh nhân đang điều trị tại viện có hai người nguy kịch, số còn lại đã tỉnh táo song bị sốc nhiệt và nhiễm khói độc nặng.
Tòa nhà dầu khí Thanh Hóa cao 11 tầng, do Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam sở hữu. Công ty này giao cho chi nhánh Thanh Hóa quản lý, sử dụng. Ngoài ngành dầu khí, khoảng 30 đơn vị khác cũng thuê địa điểm giao. Lúc xảy ra cháy có nhiều người đang ở lại làm việc tăng ca dịp Tết.
Lê Hoàng
© 2024 | Thời báo ĐỨC