Bà cho biết gia đình mua test nhanh về nhà để tự xét nghiệm hàng tuần. Sáng, bà bị ho, khản tiếng nhiều, test nhanh dương tính nên được con gái chở tới Bệnh viện Thanh Nhàn. Nhân viên y tế hướng dẫn mẹ con bà vào phòng khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm PCR, chờ kết quả tại buồng cách ly riêng. Bà đã tiêm đủ hai mũi vaccine, không rõ mình lây nhiễm từ đâu.
Trả lời VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường (Trưởng đơn nguyên điều trị Covid-19), Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết người phụ nữ này không phải trường hợp đầu tiên test nhanh dương tính tự vào viện. Có lúc, bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp tương tự. Hầu hết mọi người đến viện với tâm lý lo lắng, mong muốn được điều trị Covid-19 tại bệnh viện thay vì cơ sở thu dung. Một số ít không được cán bộ y tế địa phương hướng dẫn, khó liên hệ y tế cơ sở nên tự đến bệnh viện.
"Việc này trái với quy định phân luồng, tiếp nhận F0 hiện hành tại Hà Nội, là cơ sở y tế tuyến dưới tiếp nhận, phân loại F0, sau đó chuyển đến tầng điều trị phù hợp và còn khả năng tiếp nhận", bác sĩ Hường nói.
Thông thường, với F0 nhẹ, bệnh viện sẽ liên hệ và chuyển họ đến cơ sở thu dung tuyến dưới, ví dụ cơ sở ở Thượng Thanh (Long Biên), Đền Lừ (Hoàng Mai), khu điều trị F0 nhẹ ở Đại học Phenikaa. Những người dương tính có dấu hiệu trở nặng, phải điều trị ở tầng 2, sẽ được cho nhập viện. Ngoài ra, Sở Y tế phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.
Bệnh viện Thanh Nhàn được phân công điều trị F0 ở tầng 2-3, không tiếp nhận F0 nhẹ. Viện đang điều trị 120 F0, trong đó 20-30 trường hợp phải thở oxy trở lên, không có ca nào can thiệp ECMO (tim phổi ngoài cơ thể).
Tại bệnh viện Đức Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Thường (giám đốc) cho biết mỗi ngày tiếp nhận vài F0 tự đến sau khi test nhanh tại nhà. Các bác sĩ đưa họ sang khu sàng lọc cách ly, xét nghiệm PCR để khẳng định.
Theo bác sĩ Thường, bệnh viện có hai quy trình tiếp nhận F0. Đầu tiên là quy trình từ ngoài vào, mọi F0 đến đều được báo trước để bệnh viện chuẩn bị các bước tiếp nhận. F0 được ôtô chuyên dụng đưa đến, không được tự ý di chuyển. Hiện, Hà Nội có 140 xe cấp cứu đã được đăng ký trên hệ thống phần mềm điều hành của ngành y tế; 500 lái xe của 13 đơn vị vận tải đã được tập huấn để đảm bảo vận chuyển F0 trên địa bàn.
Quy trình hai dành cho nhóm được phát hiện tại bệnh viện, ở khu sàng lọc. F0 xét nghiệm PCR dương tính được chuyển vào khu cách ly bệnh viện và phân tầng theo quy định của Sở Y tế. "Một số trường hợp test âm thì được về, số dương đưa vào khu điều trị bệnh viện để theo dõi", bác sĩ nói. Hiện bệnh viện có khoảng 158 F0, hơn 20 bệnh nhân nặng, còn lại bệnh nhân trung bình hoặc có yếu tố nguy cơ.
Quy trình này cũng được áp dụng tại các bệnh viện khác trên địa bàn. Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội ), bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân đã được xét nghiệm dương tính và có liên hệ trước qua đường dây nóng. Trong quá trình chuyển đến viện, nhân viên y tế sẽ hoàn tất mọi thông tin, tình trạng bệnh để không mất nhiều thời gian làm thủ tục. Tại khu vực tiếp đón cấp cứu, bác sĩ sơ cứu, đánh giá tình hình rồi chuyển bệnh nhân vào buồng điều trị. Hiện, Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 chăm sóc hơn gần 200 F0, chủ yếu nhẹ, không triệu chứng.
Bác sĩ Cao Đức Chinh (Phó giám đốc Bệnh viện Hà Đông), phụ trách chuyên môn cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Pháp vân - Tứ hiệp, Hoàng Mai, cho biết chỉ bệnh nhân được xét nghiệm PCR dương tính mới vào khu điều trị. Hiện, cơ sở này điều trị cho hơn 1.800 F0 trên địa bàn Hà Nội. Toàn bộ F0 đều do cơ sở y tế địa phương liên hệ và trung tâm cấp cứu 115 vận chuyển đến.
Ông Khổng Minh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội - CDC) khẳng định F0 sau khi có kết quả dương tính, cơ sở y tế liên hệ đến bệnh viện thu dung để tiếp nhận F0, "cố gắng đáp ứng kịp thời" chứ không phải F0 tự liên hệ đến cơ sở điều trị. Còn F1 nghi nhiễm cũng được thông báo và hướng dẫn cách ly như một F0, được xét nghiệm khẳng định, nếu dương sẽ có nhân viên y tế đến để đưa đi bệnh viện chứ không phải tự đi. Tất cả quy trình cần thực hiện phải chính xác, cẩn thận, nguyên tắc không để dịch bùng phát.
"Tuy nhiên, di chuyển bệnh nhân vào lúc nào, đến cơ sở nào phụ thuộc vào quy định phân luồng, số giường còn trống, tình trạng người bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế tại thời điểm đấy", ông Tuấn nói. Do đó, khi F0 tự đi viện, nguy cơ lây nhiễm, quá tải bệnh viện tăng lên. Bệnh viện phải phân luồng, cách ly người nghi nhiễm và làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định. Thời gian chờ đợi kết quả lâu, thường mất vài tiếng nên có thể lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Khu vực sàng lọc cho người nghi nhiễm tại bệnh viện Thanh Nhàn sáng 9/12. Ảnh: Văn Phong
Trước tình hình đó, bác sĩ Hường kiến nghị Sở Y tế đào tạo cán bộ y tế cấp huyện và trung tâm y tế phường biết cách phân tầng và giám sát, hướng dẫn F0 kịp thời. Sở Y tế tập huấn cho nhân viên y tế kiến thức chuyên môn chăm sóc F0, để họ tin tưởng, yên tâm theo dõi tại nhà, tránh trực tiếp đến viện gây khó và rối phân luồng điều trị.
Với người dân, bác sĩ khuyến cáo nếu test nhanh dương tính ở nhà, cần khai báo ngay cho cơ sở y tế địa phương nơi cư trú để đơn vị này báo cáo CDC Hà Nội, cử người đến lẫy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Trong thời gian chờ đợi y tế, mọi người liên hệ chặt với cán bộ y tế phường để theo dõi triệu chứng gì và đi viện ngay nếu có dấu hiệu trở nặng. Cán bộ y tế phường trực tiếp hướng dẫn phân tầng, có trách nhiệm phân loại và giúp đưa F0 đến nơi thu dung để điều trị đúng tầng, tránh quá tải cho cơ sở y tế.
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 14.925 ca nhiễm, trong đó 5.443 ca cộng đồng. Từ ngày 11/10 đến 12h ngày 8/12, thành phố ghi nhận 10.618 trường hợp dương tính (trung bình 186 ca mỗi ngày) với 4.123 ca nhiễm cộng đồng.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và số ca nhiễm liên tục tăng, lãnh đạo ngành y tế thủ đô dự báo sẽ lên đến hàng nghìn trường hợp dương tính mỗi ngày. Tuy nhiên, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao (trên 95% người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ liều) nên hầu hết ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng (khoảng 92%), có thể điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động, theo Giám đốc Sở Y tế.
Hiện, thành phố đã triển khai cách ly F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà ở tất cả 30 quận, huyện thị xã. Rà soát trên 2,1 triệu hộ dân, hơn 800.000 hộ đủ điều kiện, hiện 15.359 F1, hàng trăm F0 nhẹ đã điều trị tại nhà.
Chi Lê - Thùy An
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC