Người dân đi tàu tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Thông tin này được ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc công ty Hanoi Metro nói với mạng báo Tiền Phong vào sáng 8/12.
Sự việc xảy ra vào khoảng 6 giờ 30 phút chiều khiến khoảng 30 hành khách đang đi tàu nhận được khuyến cáo xuống tàu, ngồi chờ khắc phục sự cố hoặc lựa chọn phương tiện khác thay thế.
Hành khách sau đó được hoàn trả lại tiền vé đã mua và lựa chọn phương tiện khác để di chuyển tiếp, sự việc làm toàn bộ các đoàn tàu hướng Hà Đông - Cát Linh trong khoảng thời gian trên không thể vận hành, đành phải dừng ở các ga chờ khắc phục sự cố.
Người đứng đầu công ty vận hành, khai thác tiết lộ: “Sau khi Hanoi Metro khắc phục xong sự cố thì cũng là lúc tôi nhận được thông báo của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội là Sở vừa kích hoạt 1 trong 63 tình huống test (thử nghiệm -PV) kỹ thuật khi vận hành tàu. Lần này là tình huống tàu mất tín hiệu khi đang vận hành”.
Theo ông Vũ Hồng Trường, trong năm đầu tiên vận hành đoàn tàu, ngoài việc chở khách các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông còn phải đối diện với các thử nghiệm kỹ thuật đến từ cơ quan chức năng mà không báo trước theo khuyến cáo về an toàn của công ty tư vấn Pháp.
Hồi tháng sáu năm nay, thông tin liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (ACT) của Pháp đưa ra 16 cảnh báo về sự mất an toàn của đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến nhiều người lo lắng, tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải cho rằng tuyến đường sắt vẫn an toàn và khẳng định đây chỉ là sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn trong đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống metro giữa Pháp và Trung Quốc.
Như chúng tôi đã thông tin, dự án do chính phủ Trung Quốc cấp vốn và chủ thầu cũng của nước này đã đưa vào hoạt động hôm 6/11 sau khoảng 10 năm thi công và đội vốn hàng ngàn tỷ đồng.
Người dân ở Hà Nội tập trung đông để trải nghiệm tuyến tàu đường sắt đô thị trong vòng 15 ngày đầu tiên miễn vé, tuy nhiên sau đó khách thưa dần và đến tối 7/12 dù ở trong giờ cao điểm cũng chỉ có khoảng 30 hành khách sử dụng phương tiện này.
Nguồn: RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC