Sau thỏa thuận 15,5 tỉ USD, hàng loạt nhà đầu tư điện gió muốn đến Việt Nam

Sáng 2-12 tại Dubai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh.

1 Sau Thoa Thuan 155 Ti Usd Hang Loat Nha Dau Tu Dien Gio Muon Den Viet Nam

Thủ tướng chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với đối tác quốc tế - Ảnh: D.GIANG

Diễn đàn do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức. 

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có quy mô lên tới 15,5 tỉ USD do Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG) tài trợ, được các nhà đầu tư đánh giá có ý nghĩa lớn. 

Nhà đầu tư phấn khích đồng hành cùng Việt Nam

Nhắc lại cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng tại COP26 ở Anh vào năm 2021, ông Ben Backwell - giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) - bày tỏ sự xúc động. 

Đặc biệt, ông ấn tượng hơn và đánh giá cao Việt Nam khi hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch triển khai JETP, thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh.

“GWEC đã làm việc với các cơ quan của Việt Nam với mong muốn tạo nên ngành điện gió bền vững. Chúng tôi có mong muốn đầu tư vào Việt Nam để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh xanh hóa, cùng Việt Nam đưa ra các sáng kiến chính sách và cộng đồng nhà đầu tư rất phấn khích về việc này” - ông Ben Backwell nói và đề nghị thành lập ủy ban liên bộ nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi.

Ông Kelvin Tan - giám đốc điều hành, trưởng bộ phận đầu tư tài chính bền vững khu vực ASEAN, Ngân hàng HSBC - cho rằng việc huy động nguồn lực tài chính cho chuyển đổi xanh có ý nghĩa lớn, bởi cứ 1 USD đầu tư nhiên liệu hóa thạch cần tới 9 USD đầu tư cho nhiên liệu sạch.

Với quy hoạch điện 8 được ban hành gần đây có tác động rất quan trọng để phát triển ngành điện, ông Kelvin Tan cho rằng Việt Nam cần nguồn lực lớn để đầu tư cho năng lượng lên tới hàng chục tỉ USD. Do vậy cần sự tham gia của tất cả các bên, tạo nên liên minh thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh với sự tham gia của liên minh tài chính.

Phản hồi trước kiến nghị của các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ, trong điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở cao, sức chống chịu các cú sốc bên ngoài còn có hạn, nên để thực hiện cam kết Net Zero, Việt Nam cần nguồn vốn ưu đãi cho phát triển xanh.

2 Sau Thoa Thuan 155 Ti Usd Hang Loat Nha Dau Tu Dien Gio Muon Den Viet Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi xanh, có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư - Ảnh: NGỌC AN

Hợp tác hoàn thiện chính sách, đầu tư hiệu quả

Định hướng của Việt Nam là tập trung ưu tiên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cho sự phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phù hợp tiềm năng, cơ hội nổi trội để mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư. Trong đó sẽ hỗ trợ tháo gỡ pháp lý, ví dụ xây dựng khung giá, phương thức thanh toán, cách thức tổ chức đầu tư để hiệu quả hơn...

Nhất trí việc hình thành tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe và cầu thị với sự thích ứng linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách. 

"Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp đến đầu tư, góp ý để hoàn thiện hơn, cùng nhà đầu tư mang lại hiệu quả cao. Chúng tôi mong rằng Việt Nam là địa chỉ tin cậy để nhà đầu tư gửi gắm niềm tin. Chúng tôi không phụ lòng niềm tin nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi lợi ích chính đáng của nhà đầu tư với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" - Thủ tướng bày tỏ. 

Các thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn gồm: Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT và Tập đoàn ACX về thiết lập, tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT và Tập Fraimont về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon; Biên bản ghi nhớ giữa Vietjet thỏa thuận hợp tác với công ty quản lý vốn hàng đầu của UAE Novus Aviation Capital về thành lập liên doanh tài chính tàu bay…

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày