Sáp nhập làng xã: Tên làng không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn là ký ức của một vùng đất và con người!

Câu chuyện về tên làng nhận được sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây, khi một số ngôi làng gắn với lịch sử, văn hoá lâu đời bị xoá sổ. Việc tìm ra một cái tên mới không chỉ mang ý nghĩa hành chính mà còn kiến tạo nên những trang ký ức mới trong đời sống tinh thần của một vùng đất, một con người.

Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia văn hoá, lịch sử cho rằng nên thận trọng khi đặt lại tên cho làng, xã, bởi tên làng càng cổ càng giá trị.

Mới đây, thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và các địa phương trong năm 2024 là triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, dự kiến có 1.243 xã trong diện phải sắp xếp lại. Trong khi nhiều ngôi làng xưa cũ sẽ biến mất, những địa danh mới sẽ ra đời, khác biệt về cả quy mô và tên gọi.

1 Sap Nhap Lang Xa Ten Lang Khong Chi Mang Y Nghia Hanh Chinh Ma Con La Ky Uc Cua Mot Vung Dat Va Con Nguoi

Toàn cảnh di tích quốc gia đặc biệt hơn 2.000 năm tuổi đình Chèm. Ảnh: Gia Khiêm

Tên làng càng cổ càng giá trị

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho hay, ông đã từng dành nhiều năm nghiên cứu về những ngôi làng Việt. "Mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng, ở đó, tên làng giống như lịch sử cuốn sách, lịch sử đời người, cái gì gìn giữ được càng cổ càng giá trị".

Ông Sơn chia sẻ: "Rất nhiều ngôi làng cổ gắn với những ngôn từ đã tồn tại từ lâu đời, có thể kể tới làng Lăm, làng Luông, làng Kẻ Vẽ, làng Kẻ Noi, làng Bưởi… Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhiều làng xã mới cũng được thành lập với cái tên gắn với dấu son trong lịch sử dân tộc: làng Thành Công, làng Cách Mạng, làng Độc Lập, làng Thống Nhất… Cũng có một số nơi sau đó lại trở về tên cổ".

Trước thông tin sát nhập làng xã, ông Sơn cho rằng, "không nên máy móc" đặt tên bằng cách ghép từ lại với nhau, bởi chúng sẽ trở thành cái tên "vô nghĩa".

"Đừng xem nhẹ việc đặt tên làng mà phải cân nhắc dựa trên lịch sử, vị trí địa lý, danh lam thắng cảnh. Đặt tên làng là công trình khoa học, đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà Hán Nôm học, nhà Ngôn ngữ học… Tôi nhớ năm 1975, khi sát nhập ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Tổng Bí thư Trường Chinh đã lựa chọn tên Hoàng Liên Sơn – dựa trên dãy núi nổi tiếng nhất trong vùng. Đó là một cách đặt tên hay, tinh tế và đáng học tập".

Theo ông Trần Hữu Sơn, có 2 cách đặt tên cần cân nhắc. "Thứ nhất là lấy tên cổ, thứ hai là lấy tên địa danh. Để làm được việc này, tôi mong sắp tới Bộ Nội vụ hoặc các tỉnh, huyện nên mời các nhà khoa học tư vấn và cùng tham gia. Nếu áp đặt thì sẽ không thành công, hoặc có thể tạo ra những tranh cãi trong dư luận", ông Sơn nêu quan điểm.

2 Sap Nhap Lang Xa Ten Lang Khong Chi Mang Y Nghia Hanh Chinh Ma Con La Ky Uc Cua Mot Vung Dat Va Con Nguoi

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian. (Ảnh: TL)

"Phải hết sức thận trọng"

Đồng ý với quan điểm của TS. Trần Hữu Sơn, PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, tên làng được cha ông ta đặt từ khi mở đất, dựng làng. Nhắc đến tên làng là nhắc đến một đặc điểm nào đó về địa lý, nghề nghiệp, văn hóa mà con người của các làng quê đó luôn nhớ đến và mang theo, mỗi khi họ tới nơi khác sinh sống và làm việc.

"Từ sau năm 1945, rất nhiều tên làng đã "lặn" khỏi giấy tờ hành chính và cũng không được nhắc thường xuyên trong đời sống thường ngày, cũng bởi vậy lớp người sinh sau không biết và hiểu về nguồn cội. Việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tên của nhiều làng, xã lại một lần nữa đứng trước nguy cơ còn - mất, vì 2- 3 xã (mới, lập cách đây gần 70 năm, gồm rất nhiều làng) được nhập lại" - ông Đính nêu quan điểm.

3 Sap Nhap Lang Xa Ten Lang Khong Chi Mang Y Nghia Hanh Chinh Ma Con La Ky Uc Cua Mot Vung Dat Va Con Nguoi

PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ảnh: NVCC

Từ thực tế khi tham gia tư vấn đặt tên cho việc sát nhập làng, xã thời gian qua, ông Đính khẳng định: "Một trong những vấn đề của việc sáp nhập xã này là đặt tên cho xã, bởi cán bộ và nhân dân xã (cũ) nào cũng muốn giữ lại một yếu tố tên của cộng đồng mình, song nhiều trường hợp, nếu ghép một trong các yếu tố tên các xã lại với nhau thì không có ý nghĩa, thậm chí còn gây hiểu nhầm và phiền hà cho công việc hành chính. Nhiều địa phương phải mời các nhà khoa học về tư vấn cho việc đặt tên xã sắp sáp nhập".

"Trường hợp ghép yếu tố tên của các xã với nhau, nếu thuận về cách gọi, phù hợp với lịch sử - truyền thống, chúng ta sẽ cho ghép lại để đặt tên. Trường hợp ghép tên không thuận, không hay, theo tôi ên lấy tên của xã có yếu tố lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng nổi bật làm tên cho xã mới. Tên các thôn (hay tổ dân phố) của xã mới không gọi theo số thứ tự, mà vẫn giữ tên làng gốc (làng cổ truyền hay các thôn, cụm dân cư được lập sau hòa bình lập lại. Các thôn/làng lớn trước đây là một thôn, nay được nâng cấp thành xã (hay thị trấn) và lại được chia thành các thôn. Cũng bởi thế, tên của thôn cần đặt theo tên xóm cũ, không đặt theo số thứ tự", ông Đính đưa ra ý kiến.

4 Sap Nhap Lang Xa Ten Lang Khong Chi Mang Y Nghia Hanh Chinh Ma Con La Ky Uc Cua Mot Vung Dat Va Con Nguoi

Nhà sử học Dương Trung Quốc. (Ảnh: Định Nguyễn).

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII, XIII, XIV) nhận định, việc 1.243 xã trong diện phải sắp xếp lại sẽ tạo ra nhiều thay đổi, trong đó có việc những địa danh làng xã – một nét đẹp văn hóa lâu đời biến mất.

"Theo tôi, làm việc này cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Ở thời đại công nghệ, mọi thông tin về con người đều được cập nhật đầy đủ trên nền tảng công nghệ số. Việc sát nhập có nên không, hay kéo theo những vấn đề phức tạp không cần thiết. Điều quan trọng nhất được đặt ra trong bối cảnh hiện tại chính là năng lực cán bộ" – ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Sau khi tổng hợp phương án, Bộ Nội vụ cho biết tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 (11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề).

19 huyện do có yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp. Như vậy, theo Bộ Nội vụ, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.

Ngoài ra, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 (738 xã phải sắp xếp, 109 đơn vị hành chính cấp xã khuyến khích và 396 đơn vị liền kề).

515 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 xã.

Trên cơ sở phương án tổng thể, Bộ Nội vụ cho biết, các địa phương trên cả nước đang tập trung xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp để trình Chính phủ; dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 30/9/2024.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày