Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong 2 ngày 14-15/8

Tang lễ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu Lê Khả Phiêu được tổ chức theo nghi thức Quốc tang vào ngày 14 và 15/8/2020.

132 1 Quoc Tang Nguyen Tong Bi Thu Le Kha Phieu Trong 2 Ngay 14 158

Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14/8/2020 đến 12 giờ, ngày 15/8/2020.

Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 phút, ngày 15/8/2020 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

 

132 2 Quoc Tang Nguyen Tong Bi Thu Le Kha Phieu Trong 2 Ngay 14 158

Đồng chí Lê Khả Phiêu,nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Lê Khả Phiêu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.

Trong hai ngày Quốc tang (14/8 và 15/8/2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Tóm tắt tiểu sử nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931; quê quán: Xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949.

Từ năm 1947 đến năm 1949, Đồng chí dạy bình dân học vụ ở xã. Tháng 6/1949 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã.

Từ tháng 5/1950 đến tháng 8/1954, Đồng chí nhập ngũ, làm chiến sĩ, rồi đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304.

Từ tháng 9/1954 đến tháng 3/1955, Đồng chí học bổ túc quân chính trung cấp khóa I.

Từ tháng 3/1955 đến tháng 3/1958, Đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Tiểu ban Tổ chức Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Tháng 4/1958, Đồng chí là học viên Trường Chính trị trung cao.

Từ tháng 6/1961 đến năm 1966, Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Phó Ban Cán bộ rồi Trưởng Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304; sau đó làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng ủy viên Sư đoàn.

Tháng 7/1967, Đồng chí vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính ủy Trung đoàn 9. Tháng 01/1968, Đồng chí kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9.

Năm 1970, Đồng chí làm Trưởng Phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên.

Từ tháng 10/1971 đến tháng 02/1974, Đồng chí làm Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên.

Tháng 3/1974, Đồng chí làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2), Đảng ủy viên Quân đoàn.

Tháng 02/1978, Đồng chí làm Chủ nhiệm chính trị rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.

Tháng 8/1980, Đồng chí làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, được bầu vào Thường vụ rồi Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu.

Tháng 3/1983, Đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.

Tháng 4/1984, Đồng chí làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh 719, Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.

Năm 1986, Đồng chí làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 719, làm Ủy viên rồi Phó Bí thư Ban cán sự Bộ Tư lệnh 719.

Tháng 6/1988, Đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng.

Tháng 8/1988, Đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (phụ trách khối tổ chức, cán bộ, bảo vệ).

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII, Đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 6/1992, Đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), Đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.

Tháng 10/2006, Đồng chí được nghỉ công tác theo chế độ.

Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

PV

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày