Đường phố Đà Nẵng hầu như vắng bóng xe cộ. Các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đóng cửa. Riêng 3 bệnh viện có ca nhiễm Covid-19 được phong tỏa chặt chẽ.
Người Đà Nẵng đeo khẩu trang tập thể dục trong ngày đầu tái giãn cách Sáng 28/7, ngày đầu Đà Nẵng thực hiện cách ly 6 quận để phòng dịch Covid-19. Bãi biển khá vắng vẻ, chỉ ít người tập thể dục.
Cầu Rồng, tuyến giao thông huyết mạch nối hai quận Sơn Trà và Hải Châu của thành phố Đà Nẵng trong buổi sáng đầu tái giãn cách xã hội.
Các cung đường lớn của Đà Nẵng như Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền, Phạm Văn Đồng, Đường 2 Tháng 9... đều vắng bóng xe cộ, sáng 28/7.
Vòng xoay Võ Văn Kiệt - Chính Hữu chỉ có lác đác vài xe máy qua lại. Thời gian giãn cách xã hội tại Đà Nẵng bắt đầu từ 0h 28/7 và dự kiến kéo dài đến 11/8.
Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách từ 0h ngày 28/7 cho đến khi có thông báo mới. Riêng với xe tải vận chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn được hoạt động.
Tuyến đường Bạch Đằng (dọc theo sông Hàn) vắng vẻ khác lạ. Thỉnh thoảng có một vài người tập thể dục, bịt kín khẩu trang di chuyển.
Hơn 40 xe của nhà xe Cường Huỳnh (quận Sơn Trà) nằm im lìm trong bãi. Ông Nguyễn Huỳnh Cường cho biết cơ sở của ông mới hoạt động lại được 10 ngày sau đợt dịch Covid-19 từ tháng 3 thì giờ lại "dính" cách ly xã hội. Đã 4 tháng nay, nhà xe không có nguồn thu nên không thể trả lương cho các tài xế.
Riêng các tuyến đường quanh Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (đều thuộc quân Hải Châu) bị phong tỏa.
Chủ tịch UBND quận Hải Châu, Lê Anh yêu cầu các phường chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Trong ảnh, chị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thạch Thang, có mặt từ 7h để cung cấp bữa sáng cho lực lượng canh giữ các chốt phong tỏa. Tổng cộng có 10 chốt với 56 người gồm công an và dân quân tự vệ được huy động để kiểm soát khu vực này.
Bà Nguyện đứng bên bờ kè sông Hàn (đường Bạch Đằng) cho biết sáng nay mọi người đến đây tập thể dục ít hơn hẳn những ngày trước. "Tôi có nghe thông tin giãn cách xã hội ở Đà Nẵng, tuy nhiên tôi vẫn đến đây và tự trang bị khẩu trang, tấm chắn bảo hộ. Nhiều người bạn của tôi đã chọn giải pháp ở nhà", bà Nguyện cho hay.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu tại 6 quận của Đà Nẵng đều đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Trong ảnh, một phòng khám nha khoa đóng cửa đến hết 2/8 vì dịch Covid-19.
Khi có thông tin cách ly xã hội, hàng bún bò Hạnh (đường Đống Đa, quận Hải Châu) chuyển sang bán mang đi. Quán ăn này nằm ngay gần 3 bệnh viện bị phong tỏa nên người chủ cũng khá lo lắng và dừng phục vụ tại chỗ để tuân thủ đúng chính sách cách ly xã hội.
Các bãi biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng ngày thường vào buổi sáng khá đông du khách tới đón bình minh, sáng nay đã không bóng người.
Đồ họa: Nhân Lê, Hoài Thanh.
Từ 0h ngày 28/7, TP Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Thời gian cách ly xã hội là 15 ngày, tại các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu. Riêng huyện Hòa Vang vẫn thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng.
Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Khi ra đường, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m lúc giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Từ 25 đến 27/7, 15 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 trong cộng đồng được phát hiện. Đà Nẵng ghi nhận 14 ca, Quảng Ngãi có một trường hợp. |
Phạm Ngôn - Thu Hằng
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC