Nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải: Câu hỏi công nghệ lọc

Nói như lãnh đạo nhà máy nước sạch sông Đà, chất đi vào nguồn nước không phải là dầu thải mà là những chất nguy hại khác thì sao?

Công tác kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt hiện nay vẫn đang còn khoảng trống mặc dù quy định về chất lượng có đủ.

Câu hỏi khó

Ngày 23/10/2019, sau sự cố nhiễm dầu thải của nhà máy nước sạch sông Đà, nhiều chuyên gia trong đặt ra vấn đề an toàn nguồn nước sinh hoạt đang vấp phải "lỗ hổng chết người" khi chất lượng mặt hàng thiết yếu này không được quan tâm đúng mức, dễ dẫn đến nguy hại trên diện rộng mà hàng triệu người dân có thể phải gánh chịu.

TS Nguyễn Đức Hùng - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Công nghệ kiểm tra độ an toàn nước sinh hoạt hiện nay vẫn còn quá sơ sài, không cảnh báo được hết các chất nguy hại có trong nguồn nước đi vào khu xử lý của nhà máy".

Theo ông Hùng, có nhiều công nghệ xử lý nước trên thế giới. Tuy nhiên, với công nghệ xử lý nước sinh hoạt hiện nay ở Việt Nam đang có thì chỉ có thể nhận biết được độ chua, độ đục của nguồn nước mà chưa thể nhận ra được các độc tố nguy hại khác có trong nguồn nước như Styren, Hydrocacbon, kẽm, chì...

"Khi xảy ra sự cố, công ty nước sạch sông Đà có giải thích là do styren quá giới hạn cho phép nên có mùi hôi, khét. Nếu đúng như vậy thì phải xem lại công nghệ lọc của Nhà máy nước sông Đà.

Nước đầu vào của tất cả nhà máy nước trên thế giới đều là nước thô và nguyên tắc là kiểm soát đầu ra. Nước chỉ được phép đưa vào hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân khi đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. " - ông Hùng nói.

132 1 Nuoc Sach Song Da Nhiem Dau Thai Cau Hoi Cong Nghe Loc
Dòng suối ở huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình nhiễm gần 9 tấn dầu thải chảy vào hồ chứa nước của nhà máy nước sạch sông Đà.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, đơn vị kiểm tra độc lập đối với nước sinh hoạt cũng đang thiếu. Hầu hết ở các bể chứa chung cư hiện nay không có đơn vị nào đứng ra kiểm tra, kiểm định thường xuyên. Điều này thường do chủ đầu tư, ban quản lý hay chính đơn vị cung cấp nước tự làm.

"Năm 2015, Chính phủ đã ban hành nghị định, quy định lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, hay Bộ Y tế cũng có quy định về chất lượng nguồn nước. Tổ chức Y tế Thế giới cũng từng có khuyến cáo về giải pháp, quy trình bảo vệ nguồn cấp nước sinh hoạt nhưng chúng ta chưa thực hiện quy trình đó.

Đối với hồ chứa nước như Đồng Bài của nhà máy nước sạch sông Đà thì hành lang bảo vệ phải ở mức tối đa, nghĩa là các khu vực sông, suối xung quanh cũng phải được bảo vệ, đảm bảo nguồn nước chảy vào trong hồ được an toàn nhất nhưng thực tế lại không có điều này, không ai giám sát, kiểm tra hay cắm biển cảnh báo để mọi người được biết.

Không những thế, việc quy hoạch tràn lan các khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi mà không tính đến đường đi của nước thải tại các đơn vị này mà lại xả cùng vào đường cấp nước sinh hoạt. Trong khi đó, công nghệ hiện tại ở Việt Nam chưa đủ điều kiện để biến nước thải thành nước sinh hoạt..." - ông Hùng cho hay.

Đơn vị cung cấp không thể là nạn nhân

Trong vụ việc nguồn nước nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải, dư luận cũng bức xúc khi đến thời điểm hiện tại lãnh đạo doanh nghiệp chưa đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi khách hàng hay có động thái bồi thường.

Thay vào đó, lãnh đạo nhà máy nước sạch sông Đà cho rằng, mình cũng là nạn nhân trong vụ việc này.

Ngày 23/10/2019, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ rõ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ban lãnh đạo nhà máy nước sạch sông Đà khi để xảy ra sự cố nguồn nước nhiễm dầu thải và vẫn cung cấp cho người dân.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng nói thẳng, sự việc nguồn nước nhiễm dầu thải của nhà máy nước sạch sông Đà là hy hữu, thể hiện sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước cho người dân.

"Tôi cũng sử dụng nguồn nước đó và mất 3 ngày dùng nước bẩn. Có lẽ không cần bàn cãi bởi rõ ràng chúng ta không đưa ra được các giải pháp đúng đắn và kịp thời. Doanh nghiệp đã không chú ý đến sức khỏe người dân và không lường hết các vấn đề có thể gây tác hại cho mọi người. Như vậy là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết" - ông Hà nói.

Luật sư Phạm Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích, Công ty nước sạch sông Đà đóng vai trò là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm còn người dân là khách hàng. Vì thế, cần căn cứ vào Luật Bảo vệ người tiêu dùng để xem xét trách nhiệm của Công ty nước sạch sông Đà.

"Trong Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định rõ, khi bên cung ứng hàng hóa đem đến một sản phẩm lỗi, khuyết tật đến khách hàng thì phải chịu trách nhiệm, đồng thời thu hồi hàng hóa và bồi thường cho khách hàng. Nếu không khách hàng có thể khởi kiện ra tòa án.

Kể cả trong trường hợp có đối tượng cố tình đổ dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước của Công ty nước sạch sông Đà thì đây lại là vụ việc khác chứ không thể gộp vào làm một được. Người dân - sử dụng sản phẩm của nhà máy nước sạch sông Đà đóng vai trò là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" - ông Hướng cho biết.

Vân Thanh

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày