Hôm nay (11/7), TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu", xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội.
Trước phiên tòa phúc thẩm, thông qua các luật sư bào chữa, ông Chung đã nộp bổ sung nhiều tài liệu liên quan. Trong đó có hồ sơ bệnh án của Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; hồ sơ bệnh án của Phòng khám đa khoa quốc tế Vietsing; hồ sơ bệnh án của Bệnh viện K; biên bản khám và hội chuẩn bệnh nhân ngày 18/10/2020 tại Bệnh viện 19/8 Bộ Công an.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên xử phúc thẩm vụ mua chế phẩm Redoxy-3C diễn ra hồi tháng 6/2022 (Ảnh: CTV).
Ngoài hồ sơ bệnh án, cựu Chủ tịch Hà Nội cũng nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương trong suốt quá trình công tác của mình từ ngành công an đến UBND TP Hà Nội; nộp nhiều bằng khen, giấy khen của bố, mẹ đẻ trong các hoạt động, phong trào của hội chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam…
Bên cạnh đó, ông còn nộp thêm các đơn xác nhận thiện nguyện và đơn của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, xin giảm nhẹ cho ông.
Nhiều ý kiến thắc mắc, vậy nộp bệnh án, bằng khen, giấy khen và làm nhiều từ thiện thì có được giảm án không?
Nộp 85 bằng khen, giấy khen đến tòa, ông Nguyễn Đức Chung có được giảm án?
Bộ luật hình sự nước ta qua nhiều lần pháp điển hóa đã có những sửa đổi bổ sung tiến bộ và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh việc răn đe, trừng trị còn phản ánh chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội; đồng thời đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đặc biệt là đối với những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập và công tác; người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Theo luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cụ thể các trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
- - Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
- - Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
- …
- - Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
- - Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
- - Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
- - Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- - Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Trong đó, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về tình tiết "người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP có nêu:
"Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…" (Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP) và một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là "lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng" (khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP).
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác thì được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Vì vậy theo luật sư Xuyến, trong trường hợp cựu chủ tịch Hà Nội bị kết tội nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, có căn cứ cho thấy trước đây đã thực hiện các hoạt động từ thiện được nhiều cơ quan tặng thưởng giấy khen thì có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, việc nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương thuộc tình tiết giảm nhẹ "Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác";
Ngoài ra, việc ông Chung bị bệnh hiểm nghèo trong giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội và hiện đang phải điều trị cũng ảnh hưởng đến tâm lý, sự khoan hồng của pháp luật đối với hành vi phạm tội. Tòa án khi xét xử có thể đánh giá đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Chung.
"Theo quy định của pháp luật thì khi quyết định hình phạt Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, nếu bị can có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng lại có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc xét thấy tính chất mức độ của hành vi vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng thì bị can, bị cáo vẫn phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật", luật sư Xuyến cho biết.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC