Người cao tuổi ở TP.HCM đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
Mục đích hướng đến mục tiêu giảm ca mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm các hoạt động chính sau:
- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên).
- Căn cứ vào danh sách được lập, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình nêu trên.
- Nếu phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ, khuyến khích F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ.
- Nếu phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng virus cho F0 và cách ly tại nhà (nếu F0 có nguyện vọng).
- Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người chưa tiêm.
- Đối với người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi), có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng.
- Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện chuyển danh sách các hộ gia đình có có người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới “ Thầy thuốc đồng hành” để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa.
Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm kế hoạch này sẽ được trình Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP để triển khai sớm nhất, dự kiến trong vòng một tháng (từ nay đến 31-12).
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP khẩn trương phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Thủ Đức và quận, huyện có kế hoạch triển khai hiệu quả các hoạt động của chiến dịch.
20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 dễ có nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong:
1. Đái tháo đường
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác
3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)
4. Bệnh thận mạn tính
5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
6. Béo phì, thừa cân
7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
8. Bệnh lý mạch máu não
9. Hội chứng Down
10. HIV/AIDS
11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ
12. Bệnh hồng cầu hình liềm
13. Bệnh hen suyễn
14. Tăng huyết áp
15. Thiếu hụt miễn dịch
16. Bệnh gan
17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
19. Các loại bệnh hệ thống
20. Các bệnh nền của trẻ em. Theo Quyết định số 5155/QĐ-BYT của Bộ Y tế về điều trị COVID-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc COVID-19.
Nguồn: TRẦN NGỌC/ Plo.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC