Nguồn: AFP, Al Jazeera, Viện nghiên cứu chiến tranh (Mỹ). Việt hóa: Duy Linh - Đồ họa: TUẤN ANH
Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24-2, ông tuyên bố mục tiêu chính là "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa" Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng dùng những cụm từ "băng đảng tân phát xít" để nói về các lãnh đạo Ukraine. Vài ngày trở lại đây, ngôn ngữ đã thay đổi và đến từ cả hai phía.
Hy vọng tại Thổ Nhĩ Kỳ
Việc Điện Kremlin tuyên bố Tổng thống Putin không quan tâm đến việc thay đổi chính quyền Kiev là một thay đổi lớn. Tờ New York Times cho rằng sự thay đổi này báo hiệu Matxcơva cũng muốn thoát khỏi cuộc chiến đã kéo dài và gây nhiều thiệt hại hơn dự tính.
Ở chiều ngược lại, phía Ukraine cũng bắn đi những tín hiệu sẵn sàng đối thoại với Nga về những vấn đề nhạy cảm. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 8-3 tuyên bố sẵn sàng xem xét lại việc gia nhập NATO và tình trạng của những vùng lãnh thổ do Nga và phe ly khai thân Nga kiểm soát như Crimea, Donetsk và Lugansk.
Trả lời truyền thông Đức ngày 9-3, ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp nhưng sẽ không phản bội nhân dân. Theo tổng thống Ukraine, cách duy nhất để thoát khỏi cuộc chiến là lãnh đạo cao nhất của hai bên phải cùng ngồi đàm phán.
Các quan chức Ukraine trước đó tuyên bố Kiev sẵn sàng thảo luận về tính trung lập của Ukraine nhưng phải có những đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý từ Nga lẫn phương Tây.
Lập trường của Điện Kremlin hiện nay là Ukraine phải công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea và nền độc lập của Donetsk, Lugansk. Kiev cũng phải cam kết duy trì vị thế trung lập và đưa điều này vào hiến pháp.
"Những thay đổi là rất đáng chú ý. Lập trường của Nga đã dần trở về thực tế hơn", chuyên gia Ivan Timofeev thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế (Nga) bình luận.
Mọi sự chú ý đang dồn về thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi diễn ra cuộc gặp của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ngày 10-3. Đây là cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi chiến sự bùng nổ.
Thực địa vẫn ác liệt
Sau 3 vòng đàm phán, Nga và Ukraine đã đạt được một số hiểu biết nhất định về tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên trên thực tế, súng vẫn nổ và hai bên vẫn cáo buộc nhau vi phạm, khiêu khích.
Một lệnh ngừng bắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho người dân Ukraine nhưng không có nghĩa chiến tranh kết thúc. Thay vào đó, giới phân tích cảnh báo hai bên có thể tranh thủ ngừng bắn để củng cố lực lượng và đẩy chiến tranh leo thang.
"Đối với Ukraine, họ sẽ dùng nó để đưa dân thường đến nơi an toàn nhưng cũng đồng thời nhận thêm tiếp tế từ phương Tây. Điều tôi sợ là cả hai phía sẽ sử dụng lệnh ngừng bắn để củng cố lực lượng tấn công hơn nữa", chuyên gia Ozgur Unluhisarcikli (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định với báo New York Times.
Những thông tin từ thực địa ngày càng phức tạp, khó kiểm chứng và mang tính tranh cãi hơn đã bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn, phía Ukraine cáo buộc Nga tấn công một bệnh viện nhi ở Mariupol ngày 9-3 làm 17 người bị thương và nhiều trẻ em bị vùi lấp.
Đáp lại, Nga khẳng định đây là bệnh viện đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine chiếm giữ thành nơi đóng quân từ ngày 7-3. "Điều rất đáng lo là Liên Hiệp Quốc đang phát tán những tin như thế này mà không kiểm chứng", phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky ám chỉ phát ngôn của Tổng thư ký Antonio Guterres - người mô tả vụ việc là "khủng khiếp".
Những cáo buộc qua lại mới nhất giữa Nga và Mỹ trong ngày 9 và 10-3 về vũ khí sinh học tại Ukraine mới thực sự đáng lo ngại, khiến nhiều người nhớ đến những gì đã xảy ra tại Syria. Cho đến lúc này, chưa có bằng chứng cho thấy vũ khí sinh học đã được sử dụng ở Ukraine.
Nga - Ukraine chưa đạt được lệnh ngừng bắn Chiều 10-3 (theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bắt đầu đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng tham dự cuộc gặp này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, theo New York Times. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine sẵn sàng tiếp tục thảo luận về cách kết thúc cuộc chiến. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công nước khác, cũng không tấn công Ukraine mà buộc phải tiến hành "hành động quân sự đặc biệt" ở Ukraine để đảm bảo an ninh của chính mình. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết ông hy vọng "cuộc gặp sẽ mở đường cho một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn". LAN HƯƠNG |
DUY LINH
Nguồn: tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC