Theo Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA tại Việt Nam, trường hợp Chính phủ Việt Nam không tiến hành các biện pháp phân bố thêm ngân sách cho các dự án và điều chỉnh lại ngân sách phân bố cho từng dự án trong thời gian từ đây đến cuối năm nay, có khả năng tổng số tiền thanh toán chậm của tất cả các dự án vốn vay ODA của Nhật sẽ là 20 tỷ yên (tương đương 4.060 tỷ đồng).
Tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên đang đói vốn
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, JICA bày to rất lo ngại về tình hình phân bố vốn cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9,TP.HCM) và một số dự án khác do Bộ GTVT là chủ quản.
Theo JICA trong 9 tháng đầu năm nay tổng số tiền chưa thanh toán khoảng 4 tỷ yên (tương đương 812 tỷ đồng).
Đồng thời JICA bày tỏ quan ngại về vấn đề chậm thanh toán do chủ trương hạn chế đầu tư công sẽ dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời làm giảm động cơ đầu tư các cả nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cũng liên quan đến nỗi lo về nợ của Việt Nam, dù có cách tính nợ công khác thông lệ thế giới, nhưng “nợ công của Việt Nam đã tăng 15 lần trong 15 năm qua”, Bộ trưởng Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong một phát biểu hồi tháng 11/2016.
Nợ công của Việt Nam đã lên đến 94,8 tỷ USD, tương đương 64,73% GDP và đã tiến sát tới mức trần cho phép là 65% GDP, số liệu của Bộ Tài chính tính đến cuối năm 2016.
Nợ công của Việt Nam có thể đã lên tới hơn 200% GDP, đã vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ là 65% GDP, nếu tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế, bao gồm nợ của ngân hàng trung ương và các đơn vị công lập khác.
Nếu như năm 2001, Việt Nam vay World Bank khoảng 23.900 tỷ đồng thì tới năm 2015 đã là hơn 274.000 tỷ đồng, tức là gấp khoảng 11,5 lần.
Tương tự, với Ngân hàng Phát triển châu Á, nợ của Chính phủ với nhà tài trợ này đã tăng hơn 20 lần trong quãng thời gian trên (từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 151.000 tỷ đồng).
World Bank định nghĩa nợ công không chỉ là nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ chính phủ bảo lãnh mà còn bao gồm nợ ở ngân hàng trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản chính phủ đã cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm.
Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 4% khi nợ công vượt ngưỡng 90% GDP.
Nguồn: báo Đất Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC