Cụ thể trường hợp này là bệnh nhân 424, một trong những ca bệnh được xuất viện trong đợt đầu sau khi Đà Nẵng bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Bệnh nhân này là nhân viên y tế tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, được phát hiện mắc bệnh vào ngày 27-7 và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Ngày 10-8, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và cho xuất viện sau khi có 3 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 và được cách ly 14 ngày tại nhà, không tiếp xúc với người khác.
Sau khi kết thúc 14 ngày cách ly theo quy định, bệnh nhân được CDC Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR và cho kết quả dương tính.
Sở Y tế Đà Nẵng cho biết đã tham vấn với các chuyên gia từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để có chỉ định áp dụng phương pháp cách ly theo dõi đối với ca bệnh đặc biệt này.
4 bệnh nhân được xuất viện trong đợt đầu sau khi Đà Nẵng bùng phát lại dịch COVID-19 trong cộng đồng - Ảnh: TR.TRUNG
Theo tư vấn, trường hợp này không áp dụng biện pháp xử lý như đối với một ca nhiễm mới, mà xử lý như một ca F1 nguy cơ cao. Hiện bệnh nhân tiếp tục được đưa đi cách ly tại cơ sở cách ly y tế.
Đến chiều 27-8, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân này cho 3 lần kết quả xét nghiệm dương tính với cả hai phương pháp xét nghiệm là RT-PCR và phương pháp test Elisa.
3 người thân trong gia đình bệnh nhân 424 cũng đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính, hiện được theo dõi cách ly tại nhà với sự hỗ trợ giám sát sức khỏe của y tế địa phương.
Trước đó vào đợt dịch hồi tháng 4-2020, tại Đà Nẵng cũng có trường hợp người bệnh mang quốc tịch Anh, sau khi khỏi bệnh đã bay vào TP.HCM, được CDC TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Chưa phát hiện trường hợp tái dương có thể gây lây nhiễm trong cộng đồng
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 27-8, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.
Theo những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương có thể lây nhiễm trong cộng đồng.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.
Quyền Bộ trương cho biết, trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19 trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải âm tính ít nhất 3 lần. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề nghị các cơ sở y tế phải tiếp tục theo dõi sức khỏe bệnh nhân trong một thời gian. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC