Người Việt suy thận vì "ăn mặn, uống ngọt"

Nhiều bệnh viện kín giường chạy thận nhân tạo. Một trong những thủ phạm gây nên tình trạng ấy chính là lối sống. Nhiều người Việt đang tự mình hàng ngày phá hỏng quả thận mà không hay biết.

1 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

2 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

"Cứ đến chiều là nhậu", anh Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), 45 tuổi, sống tại Ngọc Lâm (Hà Nội) nằm trên giường chạy thận nhân tạo, nhớ về hình ảnh của mình 8 năm về trước.

Từng có cơ thể cường tráng, anh Quang ít khi lo nghĩ về sức khỏe. Anh có thói quen uống rượu bia. Có một giai đoạn dài, gần như ngày nào anh cũng sử dụng đồ uống có cồn.

7 năm trước, trong một lần khám sức khỏe định kỳ của cơ quan, các bác sĩ phát hiện anh Quang mắc bệnh tiểu đường.

"Đo đường huyết chỉ số lên đến 20mmol/l, tôi lo quá nên cai hẳn rượu bia và răm rắp nghe theo chỉ định của bác sĩ, để quản lý đường huyết", anh Quang chia sẻ.

Sau một thời gian, chỉ số đường huyết của anh Quang giảm hẳn. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục tuân thủ điều trị, người đàn ông này sử dụng rượu bia trở lại.

Ngay trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, anh Quang bất ngờ phải nhập viện cấp cứu. Kết quả kiểm tra cho thấy anh bị suy thận mạn tính giai đoạn IV, phải chạy thận nhân tạo. Tiểu đường không được kiểm soát được xác định là nguyên nhân chính phá hỏng thận người đàn ông này.

3 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

5 tháng qua, đều đặn mỗi tuần 3 lần, anh Quang phải vào Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để chạy thận nhân tạo. Mỗi ca chạy thận kéo dài 3,5-4 tiếng cũng chính là thứ giúp anh Quang duy trì sự sống, khi quả thận đã mất hoàn toàn chức năng.

Chưa đến một năm suy thận, sự tàn phá của bệnh tật hiển hiện rõ trên cơ thể người đàn ông: Mặt thiếu sức sống, da thâm sạm đi.

"Hiện giờ tôi không thể làm những việc nặng. Mỗi ngày chỉ có thể chạy xe công nghệ 4-5 tiếng. Số tiền kiếm được cũng chỉ đủ chi trả chi phí đi lại và chạy thận, thuốc men", người đàn ông trầm giọng, bày tỏ sự trăn trở về gia đình khi hai con đang tuổi ăn, tuổi học.

Nằm đối diện giường của anh Quang là ông Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi), 71 tuổi, sống tại Long Biên, Hà Nội.

Sau hơn 20 năm bị cao huyết áp, đến năm 2018, ông Hùng phát hiện mình bị suy thận độ I. Chỉ 3 năm sau, tình trạng suy thận đã tiến triển lên độ 4.

"Năm 2021, tôi bị sốt cao, cứ tưởng cảm cúm bình thường. Thế nhưng khi vào viện, các bác sĩ xác định tôi bị suy thận độ 4, phải lập tức chạy thận chu kỳ", ông Hùng nhớ lại.

Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện đang là nơi chạy thận chu kỳ cho 160 bệnh nhân. 

Đáng chú ý, trong số này có đến gần 60% trường hợp suy thận vì hai bệnh lý huyết áp và tiểu đường. Tỷ lệ này gần tương đương với mức ghi nhận chung ở cả nước.

4 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Theo TS.BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, tiểu đường và huyết áp hiện đang trở thành 2 "thủ phạm" hàng đầu gây suy thận.

"Mô hình bệnh tật của Việt Nam cũng đang chuyển dịch dần theo mô hình của thế giới. Trước đây, nguyên nhân chính gây suy thận mạn tính là nhiễm khuẩn nhưng hiện đã chuyển dịch sang các bệnh lý chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường và cao huyết áp", TS Tuyên cho hay.

Từ thực tế lâm sàng, TS Tuyên chỉ ra, chỉ trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ bệnh nhân suy thận do tiểu đường và cao huyết áp đã tăng gần gấp đôi.

"Cách đây khoảng một thập kỷ, tiểu đường và cao huyết áp chỉ chiếm dưới 30% nguyên nhân gây suy thận mạn. Hiện nay tỷ lệ này đã lên đến 50-55%, đứng đầu trong số các nguyên nhân", chuyên gia này phân tích.

TS Tuyên cũng phân tích sâu hơn về con đường gây suy thận của tiểu đường và cao huyết áp.

"Sự tiến triển của bệnh tiểu đường làm ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ trong toàn cơ thể. Khi mao mạch của thận bị tổn thương sẽ khiến cầu thận bị xơ hóa dần, dẫn tới giảm mức lọc cầu thận cuối cùng dẫn tới suy thận", ông chỉ rõ.

5 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Với cao huyết áp, chuyên gia này mô tả, vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả suy thận.

"Khi huyết áp cao mà điều trị không đạt mục tiêu sẽ đẩy nhanh quá trình suy thận. Trong khi đó, suy thận càng nặng, càng làm giảm chức năng điều hòa huyết áp của thận lại khiến huyết áp càng tăng cao. Cơ chế này tạo nên một vòng xoáy bệnh tật", TS Tuyên phân tích.

Đáng chú ý theo chuyên gia này, số lượng bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo những năm gần đây cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể.

TS Tuyên cho biết, gần như tất cả các cơ sở lọc máu đều không đáp ứng được đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

"Ngay tại bệnh viện chúng tôi trong thời gian gần đây phải chạy 4 ca, hết công suất máy. Một số đơn vị lọc máu lân cận như: Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng gặp tình trạng tương tự", TS Tuyên chia sẻ.

6 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

7 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Tại Hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế, TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh, các bệnh không lây nhiễm hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng.

Nhóm bệnh này gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại.

Các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn (COPD) là thách thức lớn của thế kỷ 21 làm suy giảm sự phát triển kinh tế, đe dọa tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần nỗ lực xây dựng và thực thi kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. 

Các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc. Đây chính là nguyên nhân tiềm tàng làm cho tuổi thọ của người dân Việt Nam tuy có tăng, nhưng chất lượng sức khỏe biểu thị thông qua số năm sống khỏe mạnh lại giảm.

Các cuộc khảo sát đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể của tỉ lệ mắc tăng huyết áp của người dân sống ở khu vực thành thị và nông thôn trong giai đoạn 2015-2021.

Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ biến chứng lên đến 55%, chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận. 

Nguyên nhân do đa số người bệnh chưa có kiến thức đủ để chăm sóc bệnh như: chưa tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và vận động chưa phù hợp…

TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cảnh báo, tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, căn bệnh này tăng gần 3 lần sau hơn 20 năm.

"Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gia tăng rất nhanh. Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%", TS Dương cho biết.

8 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân chính của sự gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm, điển hình là cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường là do thay đổi nhanh chóng trong lối sống và thói quen ăn uống của người dân.

Điều này bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến có nhiều chất béo, muối và đường.

Trong đó, chế độ ăn thừa muối và natri có mối tương quan mật thiết tới tăng huyết áp cũng như các bệnh lý tim mạch.

Theo Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. 

Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Đáng nói, dù ăn nhiều muối, nhưng người Việt không ý thức được lượng muối đang nạp vào là nhiều.

Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34g muối; trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483kcal, chứa tới 4,6g muối.

9 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Với mức khuyến nghị của WHO, không quá 5g muối một ngày, chỉ cần một bữa ăn sáng đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể.

Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020 tại Việt Nam cho thấy, lượng rau quả ăn vào trung bình chỉ đạt 66,4-77,4% khuyến nghị. Trong khi đó, người dân lại tiêu thụ nhiều mì ăn liền, các loại gia vị nhiều muối như: bột canh, nước mắm, nước tương, mì chính.

Sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng góp phần quan trọng vào sự gia tăng và trẻ hóa bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam.

Một nghiên cứu do FAO Việt Nam tài trợ thực hiện năm 2020 ở người 15-25 tuổi thuộc cả khu vực thành thị và nông thôn thành phố Hà Nội cho thấy, gần 95% người tham gia có xu hướng thường xuyên tiêu thụ các loại thức ăn nhanh. Bánh mì, đồ ăn nhanh và mì ăn liền được tiêu thụ phổ biến nhất.

Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020. Đồng thời Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6l/người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7l/người/năm (2018).

10 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Từ thực trạng này, TS Tuyên đưa ra khuyến cáo, để kiểm soát các bệnh lý chuyển hóa, cũng như làm chậm tiến triển các biến chứng đầu tiên chúng ta phải kiểm soát tốt đường huyết với bệnh nhân tiểu đường và kiểm soát tốt huyết áp với bệnh nhân tăng huyết áp.

Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện tốt chế độ ăn bệnh lý. Cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của các chuyên gia để đạt được huyết áp, đường huyết mục tiêu. Có vậy mới làm chậm quá trình tiến triển suy thận cũng như hạn chế biến chứng của các bệnh lý nền.

Ngoài một lối sống lành mạnh, TS Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ cao như mắc bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp.

"Ở giai đoạn một đến giai đoạn 2, suy thận thường không có triệu chứng, tiến triển chậm nên người bệnh khó tự nhận biết. Từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 4, các biểu hiện dần bộc lộ. Từ giai đoạn 4 đến giai đoạn 5 tiến triển rất nhanh, bệnh nhân phải lọc máu điều trị thay thế chức năng thận.

11 Nguoi Viet Suy Than Vi An Man Uong Ngot

Vì thế, việc khám định kỳ là đặc biệt quan trọng. Từ đó, các bác sĩ có thể phát hiện, điều trị để bệnh tiến triển chậm nhất có thể. Bệnh nhân suy thận khi phát hiện cần điều trị đúng cách, điều trị đúng chuyên khoa, phải được bác sĩ chuyên khoa sâu tư vấn điều trị", TS Tuyên khuyến cáo.

Với các bệnh nhân đã mắc các bệnh lý này cần được quản lý tại các phòng khám bệnh mãn tính tại các trung tâm y tế. Thông thường trung tâm y tế khuyến cáo một tháng kiểm tra một lần, 3 tháng làm xét nghiệm chức năng gan thận để đánh giá về chức năng thận như: ure, creatinin, điện giải.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Thủy Tiên

13/08/2024 - 06:10


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày