Người dân lo ngại sau trận ngập này thanh long sẽ úng, chết và thiệt hại nặng nề - Ảnh: ĐỨC TRONG
Bước sang ngày thứ hai, nước vùng ngập xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa rút hết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Người dân bị thiệt hại ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết đây là trận ngập chưa từng có, chỉ xảy ra từ khi đường ĐT719B hình thành. Còn chủ đầu tư dự án đường này cho rằng đã làm đúng theo thiết kế, ngập do mưa lớn, nước lũ dâng cao.
Đường như "đập" ngăn chứa nước
Bước sang ngày thứ hai xảy ra ngập, ông Lê Văn Thuận ở thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ vẫn chưa hết mệt mỏi. Do căn nhà bị nước dâng lên ngập nên ông phải mắc võng như "màn trời chiếu đất" ở ngoài gò để trông giữ tài sản.
Người dân thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam kéo xe máy từ trong nhà ngập ra để sửa chữa - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo ông, từ trước đến giờ khu vực nhà mình chưa từng xảy ra ngập như vậy. Kể từ khi con đường ĐT719B hình thành, ông ví như "đập" ngăn chứa nước, khiến nhà dân ngập.
"Trước đây nước ngập chỉ lướt qua rồi đi, chứ không đọng chứa lại như vậy đâu. Mưa thì không lớn nhưng nước về không rút được do con đường đã làm bí lại. Nước dâng từ mép đường ngược lên hàng cây số, ngập nửa nhà luôn", ông Thuận kể lại.
Ông ngao ngán nói tiếp: "Mình chỉ tranh thủ thoát thân, kiếm dọn được gì trong nhà cứ dọn. Bây giờ thiệt hại không kể hết được bởi làm nông thì đủ thứ lu bu. Trước mắt là gà, vịt, heo, cây cối, nhà cửa đã bị ngập. Trong nhà còn được cái gì cứ lôi ra sửa cái đó chứ chưa biết thế nào".
Nhiều người dân ở vùng ngập xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ví đường ĐT719B mới làm như "đập" ngăn nước, gây ngập úng vừa qua - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tương tự, ông Trương Thanh Vũ ở thôn Phú Sơn, xã Hàm Mỹ cho biết sống ở đây mười mấy năm qua và lần đầu chứng kiến trận lũ, nước ngập kiểu như vậy.
"Lúc trước có xảy ra nhưng nước đi nhanh lắm, chứ chưa đến mức độ mà ngập nhà như thế này. Nước lên rất nhanh, trong vòng 15-20 phút đầu nước đã lên khoảng 5cm, đến 1 tiếng sau là tràn vào ngập nhà, không ai kịp trở tay. Đồ đạc ướt, trôi hết", ông Vũ nhớ lại.
Nhiều vườn thanh long đã ngập úng lên đầu trụ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo ông, nhiều vườn thanh long ở đây đang giai đoạn chong đèn, đậu trái coi như trắng tay. Chưa kể nước ngập như vậy sẽ làm thối rễ, thanh long kiệt sức và thậm chí chết úng nếu tiếp tục ngập.
Do thiết kế cầu đường hay mưa lũ lớn?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Trung khẳng định nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ hai bên tuyến đường ĐT719B vừa qua không phải do thiết kế cầu đường.
Ngập xảy ra cả hai bên đường ĐT719B, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo ông, nếu ngập một bên thượng lưu thì có thể do cầu nhỏ, nước thoát kém. Còn trận ngập này xảy ra cả hai bên đường, tức thượng lưu lẫn hạ lưu đều có. Đồng thời, nền đường đã làm hai năm qua, nếu có ngập thì xảy ra từ thời điểm đó.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Viên - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 515 (nhà thầu thi công đường ĐT719B), cho rằng mực nước của sông dâng lên bằng với mực nước trong vườn thanh long bởi do mưa lũ đổ về lớn.
Cầu trên đường ĐT719B để thoát nước của sông khu vực xảy ra ngập - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ông Viên cho biết cầu của đường ĐT719B xây rộng hơn lòng sông nên vẫn chảy thoát bình thường, không cản lại.
"Trước khi thi công, nước đổ về khu vực này đã từng gây ngập. Trong lúc thi công đường cũng bị tương tự nhiều đợt như thế chứ không phải bây giờ mới xảy ra", ông Viên nói thêm.
Nước chảy sùng sục tại miệng cống ngang đường ĐT719B, đoạn xảy ra ngập ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Vậy nguyên nhân có phải do xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn hay không, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước bác bỏ. Theo ông, hiện các hồ chứa ở địa phương đang trong quá trình tích trữ sau mùa khô hạn vừa qua, vậy nên chưa có đủ nước để xả.
Nhiều vườn thanh long đang chong đen đã mất trắng do vụ ngập - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đồ đạc, tài sản, nhà cửa bị ngập khiến cuộc sống người dân thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ đảo lộn - Ảnh: ĐỨC TRONG
Khoảng 420ha thanh long, hoa màu và 230 căn nhà bị ngập
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, có khoảng 230 căn nhà bị ngập (toàn bộ là ở thôn Phú Sơn và thôn Phú Khánh, xã Hàm Mỹ) trong đợt mưa lớn vừa qua.
Trong đó, 48 căn nhà bị ngập sâu phải di dời người và tài sản. Trận mưa lớn này còn gây ngập khoảng 420ha thanh long và hoa màu ở các xã Hàm Mỹ và Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam. Địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết từ chiều 27 đến sáng 28-8, mưa lớn xảy ra trên toàn địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.
Lượng mưa đo được tại một số trạm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam từ 13h ngày 27 đến 17h ngày 28-8 như sau: xã Hàm Kiệm 93,3mm; xã Mương Mán 78,8mm; xã Tân Lập 70,6mm và xã Hàm Cường 141,6mm.
ĐỨC TRONG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC