Mưa bão, sạt lở đẩy dần bờ sông suối biên giới với Trung Quốc về phía Việt Nam

Hệ thống kè biên giới phía Trung Quốc đã được xây dựng kiên cố, nhưng hệ thống kè biên giới của Việt Nam chưa hoàn thiện, nên mưa bão, sạt lở đẩy dần bờ sông suối về phía Việt Nam, ảnh hưởng đến biên giới quốc gia. 

132 1 Mua Bao Sat Lo Day Dan Bo Song Suoi Bien Gioi Voi Trung Quoc Ve Phia Viet Nam

Kè biên giới phía Trung Quốc đã được xây kiên cố, trong khi kè phía Việt Nam chưa hoàn thiện (Ảnh chụp một đoạn sông Ka Long) - ẢNH LÃ NGHĨA HIẾU

Kè phía Việt Nam mới hoàn thành 16,43 km

Gửi kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, cử tri các huyện, thành phố giáp cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh cho biết đã kiến nghị nhiều lần về việc đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp cụ thể về nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kè biên giới đang bị xuống cấp, hư hỏng...

Theo cử tri tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, hệ thống kè biên giới bên phía Trung Quốc đã được xây dựng kiên cố, nhưng hệ thống kè biên giới của Việt Nam thuộc địa bàn tỉnh mới được xây dựng hoàn thành 16,43 km.

Do vậy, sau mỗi đợt mưa bão, bờ sông bị sạt lở, xói mòn, một số điểm kè, cột mốc biên giới bị hư hỏng, làm thay đổi dòng chảy sông suối, đẩy dần bờ sông suối về phía Việt Nam, ảnh hưởng đến biên giới quốc gia.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã phát biểu tại Quốc hội, gửi kiến nghị của cử tri đến Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đề nghị bố trí vốn hoàn thiện hệ thống kè biên giới, sớm khắc phục tình trạng trên, nhưng đến nay chưa được quan tâm giải quyết.

Do đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan khảo sát thực tế, có kế hoạch sớm hoàn thiện hệ thống kè biên giới, trình Quốc hội, Chính phủ bố trí một phần vốn từ ngân sách nhà nước, hoặc có cơ chế cho tỉnh Quảng Ninh được sử dụng một một phần ngân sách thu được từ hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái để xây dựng kè biên giới; hoặc nữa là có cơ chế để tỉnh này được chi ngân sách đầu tư sửa chữa kè biên giới bằng nguồn ngân sách địa phương.

Đồng thời, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao tham mưu cho Chính phủ các nội dung liên quan đến thỏa thuận giữa chính phủ hai nước (Việt Nam - Trung Quốc) về triển khai xây dựng kè biên giới để sớm hoàn thiện hệ thống kè, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và ổn định tư tưởng nhân dân vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Ngoại giao cho biết việc xây dựng hệ thống kè sông suối biên giới, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, xói mòn “là hết sức cần thiết”, nhằm đảm bảo sự ổn định của đường biên giới quốc gia.

“Bộ Ngoại giao ủng hộ việc kịp thời xây dựng, sửa chữa các công trình bảo vệ đường biên, mốc giới tại các tỉnh biên giới nói chung và tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc khảo sát, đánh giá và kiến nghị cấp có thẩm quyền trong việc bố trí ngân sách xây dựng, sửa chữa hệ thống kè biên giới tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, Bộ Ngoại giao nói.

Cũng theo Bộ Ngoại giao, hiện Hiệp định quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận song phương liên quan đã xác định rõ các nội dung, quy trình liên quan đến việc xây dựng các công trình biên giới của hai bên, trong đó có việc xây dựng các công trình kè bảo vệ sông, suối biên giới.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai các quy trình phối hợp với phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho địa phương xây dựng các công trình biên giới.

Bộ Quốc phòng chuẩn bị phê duyệt dự án 210 tỉ đồng

Phúc đáp đề nghị được sử dụng một phần ngân sách thu được từ hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái để chi cho việc đầu tư sửa chữa kè biên giới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư “đề nghị địa phương thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về thu, chi các nguồn thu được từ hoạt động xuất nhập khẩu”.

Còn tại văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng, Bộ này cho rằng, việc xây dựng các công trình bảo vệ sông suối, cột mốc biên giới trên đất liền là một nội dung cần được quan tâm đầu tư, để vừa đảm bảo yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền lâu dài trên biên giới đất liền.

Do đó, Bộ Quốc phòng cho biết, nếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra sạt lở cột mốc, bờ sông suối biên giới có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cột mốc biên giới, chủ quyền biên giới quốc gia và đời sống của nhân dân, thì “đề nghị tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo Thủ tướng để được xem xét quyết định”.

Trong năm 2019, theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh và Quân khu 3; Bộ Quốc phòng đã tiến hành khảo sát thực tế và đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Tuyến kè chắn sóng, kết hợp đường tuần tra cơ động bờ sông biên giới đối diện với bến biên mậu phía Đông Hưng/Trung Quốc (thuộc phường Hải Yên, TP.Móng Cái) với quy mô 1,38 km kè sông và 640 m đường cơ động tuần tra, tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng, một nửa do ngân sách T.Ư và một nửa do ngân sách địa phương đầu tư.

Bộ Quốc phòng đã tổng hợp báo cáo Chính phủ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc làm việc với Chủ tịch Phân ban Trung Quốc; hiện đang chờ, sau khi có thư đồng ý của Phân ban Trung Quốc, Bộ Quốc phòng sẽ phê duyệt dự án để triển khai thực hiện.

Nguồn: Báo THANH NIÊN

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày