Cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11, đơn vị này đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Hiện Google và Facebook là hai nền tảng nhận được nhiều quảng cáo nhất ở Việt Nam. Ảnh TL
Có 5 nhóm đối tượng thương mại điện tử gồm: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…); Cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến (online); Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; Doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada...), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển.
Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế.
Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán, cá nhân phải đóng 11 tỷ đồng tiền thuế ở trên (gồm 7 tỷ cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, 4 tỷ bị phạt do chậm nộp thuế) ước thu được khoảng 100 tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube.
Trước đó, vào giữa tháng 11, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam”.
Theo đó, về ngắn hạn, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, phối hợp với các bộ ngành như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… thực hiện quản lý thuế đối với thương mại điện tử.
Thủy Tiên
Theo Báo Công Luận
© 2024 | Thời báo ĐỨC