Sau hơn hai năm bị “đóng băng”, thị trường hàng không và du lịch quốc tế đang được dự đoán sẽ có sức bật như lò xo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại diện hãng hàng không và Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng ngành hàng không sẽ sớm phục hồi nhanh chóng khi chính sách mở cửa từng bước và phòng chống dịch COVID-19 đang dần được nới lỏng.
Hàng không quốc tế sẽ bùng nổ trong năm nay
Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2 và từ 15/3 mở lại toàn bộ du lịch. Đây được coi là tiền đề quan trọng để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi/đến Việt Nam.
Mới đây, đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành được cho là “mở toang cánh cửa” đón du khách quốc tế.
Ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu.
Trên cơ sở có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế với Việt Nam, với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay, ông Đăng cho biết Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch trong năm nay.
Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho hay Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã dự đoán hàng không quốc tế sẽ bùng nổ trong năm 2022, tuy nhiên chỉ bằng khoảng 44% so với trước dịch bệnh. Điều này cho thấy thách thức rất lớn từ sự cạnh tranh của các hãng hàng không quốc tế và Việt Nam. Vì vậy, IATA cũng đã khuyến cáo việc mở cửa trở lại song Chính phủ các nước vẫn cần hỗ trợ các hãng hàng không.
“Chúng tôi xác định dịch bệnh chỉ kéo dài trong một thời điểm nhất định, không thể kéo dài mãi nên các hãng hàng không luôn chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi và phát triển như trước dịch. Tuy nhiên, những thách thức đối với các hãng hàng không là không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ hay các địa phương,” ông Nề nói.
Lãnh đạo hãng hàng không Bamboo Airways nhận định sau hơn hai năm bị “đóng băng,” thị trường hàng không và du lịch đang được dự đoán sẽ có sức bật như lò xo. Các nhu cầu đi lại để công tác, khám phá du lịch, đoàn tụ với người thân đang tăng mạnh sau thời gian dài bị đè nén.
“Chính phủ cũng đang có những biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ rất ý nghĩa dành cho hàng không, như mở cửa trở lại hoạt động bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, điều chỉnh và đồng bộ hóa các biện pháp xét nghiệm, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách," đại diện Bamboo Airways nói.
Trước triển vọng phục hồi của ngành hàng không năm 2022, Bamboo Airways tiếp tục hướng tới mục tiêu khai thác 80 đường bay nội địa, 40 đường bay quốc tế, chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa.
Đi trước đón đầu để sớm lấy lại đà tăng trưởng
Lãnh đạo hãng hàng không Bamboo Airways cho biết hiện nay, trên thế giới, nhiều nước cũng đang từng tiến hành dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài nhằm tạo điều kiện phục hồi các hoạt động hàng không, du lịch và giao thương quốc tế. Trước bối cảnh đó, đề xuất của Bộ Y tế sẽ tạo cơ hội tốt để Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
“Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các quy định về phòng chống dịch đối với hành khách bay hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của khách quốc tế. Với việc mở cửa bay quốc tế và ban hành các quy định về phòng chống dịch với hành khách, Việt Nam đang đi trước đón đầu làn sóng khách du lịch quốc tế một cách chủ động,” lãnh đạo Bamboo Airways nhìn nhận.
Đối với các hãng hàng không, đề xuất nới lỏng đối với người nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hãng xúc tiến các kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng đồng thời xây dựng các chương trình tiếp cận và thu hút các nguồn khách quốc tế đến Việt Nam.
“Đây có thể coi là cơ hội ‘vàng’ không chỉ để phục hồi mà còn tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước,” lãnh đạo Bamboo Airways nhấn mạnh.
Các quy định về phòng chống dịch đối với hành khách bay hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của khách quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Trước mục tiêu mở cửa hoạt động hàng không, du lịch, thúc đẩy khách bay quốc tế đến Việt Nam, đại diện doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị cần có sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành liên quan, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú.
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút 18 triệu lượt du khách quốc tế đến là nỗ lực xúc tiến, quảng bá đồng thời có những chương trình, cơ chế, chính sách thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp hành không cho rằng triển khai chính sách thị thực để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến là một trong những điều nên được lưu tâm.
“Mặt khác, để thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu; chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt," đại diện một hãng bay nhấn mạnh.
Đối với việc sử dụng nền tảng công nghệ hay ứng dụng khai báo dành cho khách nước ngoài trong thời gian lưu trú ở Việt Nam, hãng bay này kiến nghị cần có sự thống nhất và đồng bộ, giúp tạo điều kiện cho hành khách quá trình di chuyển; cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và tạo điều kiện khai thác cho các hãng hàng không…/.
Việt Hùng
Nguồn: vietnamplus.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC