Theo báo cáo mới đây được Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC) trực thuộc chính phủ Anh công bố, Việt Nam là một trong ba nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Số liệu mà các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Anh ghi nhận được cho thấy mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư lậu vào nước này theo các đường dây buôn người.
Có thể lý giải việc nhiều người chọn Anh làm “điểm đến lý tưởng” vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, các đường dây buôn người hoạt động xuyên quốc gia còn rất mạnh và theo giới quan sát, đưa lậu người vào Anh là một “ngành kinh doanh béo bở”.
Các đường dây buôn người này nhắm đến người Việt thiếu thông tin và vẽ ra viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao” và “cuộc sống giàu sang” một khi đặt chân đến châu Âu. Theo báo The Telegraph, đằng sau mỗi vụ đưa người vượt biên đều có một “đầu rắn lớn” kiểm soát toàn bộ hành trình.
Họ thường là những “người tiên phong” đã ra nước ngoài và có được quốc tịch nước ngoài hoặc quyền cư trú dài hạn. Các “đầu rắn” sử dụng nhiều cách khác nhau, bằng cách dùng các hộ chiếu giả hay dùng tiền hối lộ để đưa người vượt biên đi từ nước này sang nước khác cho đến khi nào tới được đích đến. Tuy nhiên, khi chuyện bị bại lộ thì đa số nạn nhân không thể biết thân thế, nguồn gốc của các “đầu rắn” này đến từ đâu. Nói cách khác là “đường dây ma”.
Theo tổ chức chống buôn người Precarious Journeys, năm 2019, mỗi người phải bỏ ra số tiền dao động từ 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng) đến 40.000 USD (hơn 930 triệu đồng) để được đưa sang Anh.
Các nhóm môi giới này khẳng định số tiền càng nhiều thì quãng đường sẽ ngắn và ít nguy hiểm hơn. Lý giải về điểm đến nước Anh, ThS Quảng Trọng Ngọc Ân, nghiên cứu về vấn đề vượt biên tại Phần Lan, nhận định: “Nhiều người Việt sang Anh trồng cây thuốc phiện, nếu không bị cảnh sát bắt thì kiếm được nhiều tiền nên nhiều người làm liều. Thậm chí trong cộng đồng người sang Anh, có nhiều người hay nửa đùa nửa thật: “Sang Anh có trồng cỏ (thuốc phiện) không?”. Người này đi mà “may mắn” thoát thì kéo thêm người khác qua”.
Bên cạnh đó, ông Ân cũng cho rằng Anh rất cần lao động, trong khi lao động chui thì giá lại rất rẻ nên nhiều nhóm buôn người tìm cách đưa người bất hợp pháp sang đây để bóc lột kiếm lời. Ngoài ra, một người nhập cư sống tại Đức từ những năm 1990, thường xuyên tiếp xúc, mua bán với cộng đồng người nhập cư, nói với Pháp Luật TP.HCM: So với một số nước khác trong khu vực thì chính sách tị nạn ở Anh dễ hơn. “Nhiều người quyết định mạo hiểm đi lậu qua Anh vì người khác rỉ tai rằng: Bên Anh dễ được nhận tị nạn, đồng thời kiếm tiền cũng dễ hơn. Mặc dù khi qua đó toàn phải sống chui, làm chui” – vị này kể.
Như vậy, phía sau những hành trình sang Anh đầy khốc liệt là vô số thông tin đồn thổi về một bức tranh màu hồng ở Anh: Có thể xuất phát từ những đối tượng lừa đảo hay cũng có thể từ chính những người từng vượt biên trái phép (may mắn) thành công kể lại. Tuy nhiên, đáng buồn thay khi xách ba lô lên và đi, ít ai hình dung ra những chuyến đi ấy đều lành ít dữ nhiều và đã không biết bao nhiêu người bỏ mạng tức tưởi.
ĐẠI THẮNG
© 2024 | Thời báo ĐỨC