Chuyên gia Nhật Bản trong buổi công bố chất lượng nước sông Tô Lịch sau xử lý bằng công nghệ Nhật Bản - Ảnh: TTO
Trước đó, ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, có phát ngôn cho rằng kết quả thí điểm của công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản làm sạch nước sông Tô Lịch là thất bại.
Thông cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản (JEBO) nêu rõ: "Ông giám đốc Sở Xây dựng là người đại diện cho chính quyền Hà Nội mà cố tình phát biểu vô căn cứ, không hiểu mục tiêu, trái kết luận của UBND TP nên buộc chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ danh dự của công nghệ Nhật Bản cũng như danh dự cá nhân của chúng tôi liên quan tới dự án tài trợ miễn phí thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch".
Theo JEBO, trong buổi họp đánh giá về kết quả dự án này do chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì ngày 29-10, giám đốc Sở Xây dựng cũng không có ý kiến đánh giá về kết quả không đạt hay thất bại.
Đặc biệt, trong văn bản thông báo về "Kết luận của Chủ tịch UBND TP tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản" cũng không hề có nội dung nào đánh giá về kết quả là thất bại.
Mặt khác, UBND TP còn đang giao đơn vị tiếp tục triển khai làm mở rộng thêm 1 ao tù để tiếp tục đánh giá.
Vì vậy, JEBO không hiểu động cơ, mục đích, căn cứ vào đâu để giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá dự án của họ thất bại.
JEBO nhấn mạnh mỗi dự án khi triển khai đều có mục tiêu cần đạt được. Trong đợt thí điểm chứng minh công nghệ xử lý của Nhật Bản lần này, kết quả cho thấy 6/6 mục tiêu đều đạt như chứng minh việc xử lý triệt để tận gốc mùi hôi thối; bảo tồn hệ sinh thái, cá, thủy sinh phát triển tốt; hệ thống xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm thứ cấp...
JEBO cũng cho biết, theo kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn của VN, chất lượng nước khu vực thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây cho thấy 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần…
Để chứng minh cho độ an toàn nước sông Tô Lịch sau xử lý, chuyên gia Nhật Bản đã ngụp lặn trong nước - Ảnh: TTO
Ngoài ra, cá koi và cá chép Việt Nam thả tại khu vực nước sau xử lý tại khu thí điểm sống và sinh trưởng tốt sau gần 2 tháng cho đến ngày chuyển sang hồ Tây.
"Kết quả cho thấy 6/6 mục tiêu đặt ra đã đạt, như vậy là dự án chứng minh công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản đã thành công như dự kiến", Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản khẳng định.
Tổ chức này cũng cho hay kết quả thực tế đã chứng minh, tại khu vực thí điểm, mùi hôi thối của đoạn sông Tô Lịch đã giảm gần như không còn chỉ sau 3 ngày vận hành hệ thống xử lý bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản.
Theo đánh giá của người dân sống cạnh khu vực thí điểm, mặc dù hàng ngày vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý liên tục xả trực tiếp vào khu vực thí điểm tuy nhiên gần như không còn mùi hôi thối tại khu vực xử lý thí điểm.
B.NGỌC
Nguồn: tuoitre.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC