Kè vừa làm xong đã sập: Bê tông quên…cốt thép

Thật là một chuyện khó tin nhưng có thực, hóa ra chuyện bê tông không có cốt thép bên trong là do phía bên thi công chủ động tính toán ngay từ ban đầu nhằm… tiết kiệm chi phí. Và kết quả của “sáng kiến” này là bờ kè đã bị đổ đến 480m trên tổng số hơn 600m chiều  dài chỉ qua vài trận bão.

Công trình kè biển trị giá 12 tỷ đồng vừa làm xong đã bị sóng đánh sập, lộ ra bê tông không có cốt thép.

132 1 Ke Vua Lam Xong Da Sap Be Tong Quencot Thep

Nhiều mảng bêtông tại bờ kè không có cốt thép bên trong - Ảnh: Tuổi trẻ.

Những người dân ở khu dân cư Bắc Bắc đường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang tỏ ra rất bức xúc vì sau hai cơn bão số 5, 6 vừa qua, hệ thống kè sông khu dân cư với giá trị đầu tư gần 12 tỉ đồng có chiều dài hơn 600m đã bị sóng đánh sập 480m.

Sau khi bị sóng đánh vỡ vụn, bờ kè mới vừa hoàn thành này để lộ ra nhiều đoạn dọc bờ sông toàn bằng bêtông, không có lõi thép bên trong, phía dưới toàn cát, không có chân trụ. Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Thái Diễn - Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Quy Nhơn - cho biết hệ thống kè này được khởi công ngày 30-12-2018, hoàn thành vào 30-9-2019, hiện chưa được nghiệm thu đã sập.

Về chuyện người dân phản ánh rằng khi bờ kè bị vỡ ra mới phát hiện nhiều đoạn bê tông không có cốt sắt, thép, ông Thái Diễn cho biết: "Ngay từ ban đầu thiết kế, đơn vị tư vấn chỉ tính toán kè nằm trong khu vực đầm Thị Nại, kín gió nên sẽ không ảnh hưởng triều cường mạnh. Do đó, thiết kế chỉ làm khung giằng bên ngoài là bêtông cốt thép, còn phần lan can và chân của lan can chỉ làm bêtông không có sắt, thép để tiết kiệm chi phí. Dự án và thiết kế bản vẽ thi công sau đó đã được Sở Xây dựng tỉnh thẩm định, UBND TP Quy Nhơn phê duyệt".

Nhờ có việc tiết kiệm chi phí này mà cả công trình trị giá 12 tỷ đồng này đã xem như bị xóa sổ, đổ xuống sông xuống biển gây nên nỗi bức xúc của người dân.

Ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã cho biết trên báo chí: “UBND TP Quy Nhơn là chủ đầu tư dự án, nên phải chịu trách nhiệm chính trong việc này. Nếu đây là sự cố thiên tai thì thành phố phải báo cáo rõ, đề xuất hướng xử lý. Còn các nguyên nhân khác như lỗi do tư vấn, thiết kế, thi công… thì đơn vị nào làm sai đơn vị đó phải chịu trách nhiệm sửa chữa. Không có chuyện lấy tiền ngân sách nhà nước để khắc phục".

Chắc chắn người dân không thể nào chấp nhận với việc lấy tiền ngân sách nhà nước để khắc phục công trình này. Tuy nhiên, phải có tư vấn độc lập đánh giá công trình cụ thể, bởi nếu không, rất dễ có lý do “sự cố thiên tai” như nhiều trường hợp trước đây, khi công trình bị sụp đổ thì bên dự án đổ lỗi cho trời mưa hoặc nền đất yếu.

Lại nhớ đến một tin tức mới đây được báo chí đăng tải, đó là ông Dennis Tyler, thị trưởng 76 tuổi của TP Muncie, bang Indiana - Mỹ, đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ ngay tại nhà riêng vì cáo buộc nhận hối lộ.

Các công tố viên đã cáo buộc ông Tyler nhận hối lộ 5.000 USD để đổi lấy hợp đồng thầu của một công ty từ TP Gaston, bang Indiana nhằm thực hiện các dự án phá dỡ, khai quật và xây dựng ở TP Muncie. Theo tội danh này, ông Tyler phải đối diện với bản án tối đa 10 năm tù và khoản phạt tối đa 250.000 USD.

Mi An

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày