Kazakhstan muốn trở thành trung tâm hậu cần để hàng Việt Nam tới châu Âu

Đại sứ Kanat Tumysh cho biết, Kazakhstan muốn thúc đẩy hợp tác đường sắt với Việt Nam thông qua tuyến Hành lang Đông Tây và trở thành trung tâm hậu cần để hàng Việt Nam tới các nước SNG và châu Âu.

1 Kazakhstan Muon Tro Thanh Trung Tam Hau Can De Hang Viet Nam Toi Chau Au

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh (Ảnh: Nguyễn Bình).

Phát biểu trong buổi họp báo tại Đại sứ quán Kazakhstan ngày 15/1, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã thông tin về những thành tựu nổi bật năm 2023 của đất nước, cũng như những định hướng mới năm 2024.

Ông cho biết, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev rất coi trọng kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các quốc gia Đông Nam Á để xây dựng đất nước ngày một phát triển. Nhờ vậy, công tác cải cách chính trị, các vấn đề xã hội cấp bách đã được Kazakhstan thực hiện một cách nhất quán và thành công.

Tổng thống Tokayev đã áp dụng mô hình "một quốc gia biết lắng nghe", theo đó chính quyền luôn lắng nghe kiến nghị của người dân để có thể điều chỉnh chính sách kịp thời.

Dẫn lời Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trong cuộc phỏng vấn với báo Egemen Qazaqstan, Đại sứ Tumysh nói: "Năm 2024 là một năm rất quan trọng, là bản lề cho kế hoạch phát triển kinh tế đất nước trong 5 năm tới (2024-2029) với mục tiêu chiến lược là tăng gấp đôi GDP vào năm 2029".

Ông khẳng định Việt Nam là đối tác chủ chốt của Kazakhstan trong khu vực Đông Nam Á và đóng vai trò là cầu nối với các nước trong khu vực.

Đại sứ nhấn mạnh, một trong những trọng tâm hợp tác của Kazakhstan trong thời gian tới sẽ là hình thành tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan, tạo thành một cầu nối để hàng hóa từ Đông Nam Á đến Kazakhstan, cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Thổ Nhĩ Kỳ cũng như châu Âu và ngược lại.

Ông cho biết, để tuyến đường sắt Hành lang Đông Tây xuyên Caspi giữa Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan được hình thành, trước mắt cần nâng cấp tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai theo tiêu chuẩn chung để kết nối tới Côn Minh (Trung Quốc) và từ đó hòa vào mạng đường sắt sẵn có nối từ Côn Minh đến Kazakhstan, tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Với hành lang liên vận ngắn nhất nối giữa miền Tây Trung Quốc đến châu Âu, hàng hóa từ Việt Nam, thay vì mất 2 tháng đi đường biển, có thể được vận chuyển đến châu Âu chỉ trong vòng hai tuần.

Đại sứ Kanat Tumysh nhấn mạnh, Kazakhstan mong muốn trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển cho hàng hóa Việt Nam đến Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), khu vực Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như châu Âu. Ông cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới lĩnh vực này.

Kazakhstan mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực truyền thống như đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, đồng thời thúc đẩy hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác gồm: biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Cũng tại cuộc họp báo, Đại sứ Tumysh cho biết, Kazakhstan mong chờ chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Kazakhstan vào tháng 6/2024, bên thềm Diễn đàn Quốc tế Astana (AIF).

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày