Ngày 7/12, cả nước có 6.877 xã cấp 1 - vùng xanh; 2.708 xã cấp 2 - vùng vàng; 803 xã cấp 3 - vùng cam; 216 xã cấp 4 - vùng đỏ.
Như vậy, so với cách đây gần một tháng, số vùng cam tăng thêm 410 xã; vùng xanh tăng gần 120 xã; vùng vàng giảm hơn 580 xã; vùng đỏ tăng hơn 50 xã.
Tại Hà Nội, số ca nhiễm trên địa bàn liên tục tăng cao, nhưng đây là địa phương có nhiều vùng xanh nhất cả nước, với 535 xã, chiếm phần lớn đơn vị hành chính của thủ đô.
Cụ thể, từ ngày 30/11 đến nay, mỗi ngày số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đều vượt 400. Riêng ngày 4/12, thành phố ghi nhận 628 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ 4. Tổng cộng từ ngày 29/4 đến hết ngày 6/12, thành phố ghi nhận 13.679 ca nhiễm. Trong khi đó, số xã xanh ở thủ đô hiện nay tăng thêm hơn 200 đơn vị so với hồi giữa tháng 11. Số xã vàng cũng giảm nhiều.
Hà Nội hiện không có bệnh nhân nào phải thở HFNC (thở oxy dòng cao) hay EMCO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Trong công điện ngày 2/12, chính quyền thành phố cho biết hiện số ca nghiêm trọng điều trị tại các bệnh viện tầng 3 chỉ chiếm tỷ lệ dưới 0,8%.
Điểm phong tỏa nơi phát hiện ca F0 trên phố Vũ Hữu Lợi, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, ngày 2/12. Ảnh: Giang Huy
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt".
TP HCM hiện có 21 xã, phường vùng cam. Số xã vùng cam tại thành phố tăng cao, so với gần một tháng trước chỉ có 12 xã cam. Các đơn vị hành chính còn lại đều thuộc vùng xanh hoặc vàng. Hôm 6/12, quận 4 đã tăng cấp độ nguy cơ từ cấp 2 lên cấp 3. Đây là quận duy nhất của thành phố là vùng cam. Ngoài ra, quận 11 và huyện Cần Giờ cũng tăng cấp độ từ xanh thành vàng.
So với tuần trước, TP HCM có 20 phường, xã giảm cấp độ dịch và 56 địa bàn tăng cấp độ.
Cũng theo công bố của Bộ Y tế, tại Đà Nẵng đa số xã, phường đều thuộc vùng xanh hoặc vàng; Hải Phòng có 2 xã cam, 4 xã đỏ. Cần Thơ có 7 xã cam, 4 xã đỏ.
Hai tỉnh có nhiều vùng đỏ nhất là Bến Tre với 50 xã cấp 4. Tiếp sau là Vĩnh Long với 37 xã; Bình Phước (15); Bình Thuận và An Giang (12)... Giữa tháng 11, An Giang có nhiều xã đỏ nhất cả nước với 23 xã. Như vậy, đến nay số xã vùng đỏ của tỉnh này đã giảm một nửa.
Nghệ An vẫn duy trì vị trí nhóm các tỉnh có nhiều vùng xanh nhất cả nước với 409 xã. Cách đây gần một tháng, tỉnh đứng đầu cả nước về số xã xanh.
Thanh Hóa là tỉnh có nhiều xã vùng vàng (cấp 2) nhất cả nước; tuy nhiên, số vùng vàng trên địa bàn tỉnh này đã giảm gần 100 xã.
Nhìn trên bản đồ cấp độ dịch bệnh, các tỉnh miền Bắc chủ yếu là vùng xanh xen lẫn một số nơi vàng, ít chấm đỏ. Bắc Trung Bộ chủ yếu là xanh, riêng Thanh Hóa bao phủ màu vàng. Nam Trung Bộ chủ yếu là xanh, có một số nơi đỏ. Khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long xen lẫn giữa màu xanh, vàng, cam, đỏ.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến số xã vùng cam trên cả nước tăng cao. Trước tiên, các tỉnh thành đã thực hiện thích ứng an toàn, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được mở lại; việc đi lại của người dân thông thoáng hơn trước. Thứ hai, hiện nay nhiều tỉnh, thành đã áp dụng biện pháp cách ly F1, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà.
"Vì vậy, số ca nhiễm thời gian gần đây tăng cao, không chỉ tập trung ở các đô thị lớn mà rải rác ở nhiều địa phương khác nhau. Các ổ dịch lẻ tẻ xuất hiện ở nhiều nơi hơn trước đây", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông, trước đây, số ca nhiễm tăng cao khi độ bao phủ vaccine còn thấp và năng lực hệ thống y tế chưa được cải thiện. Hiện nay, dù số ca nhiễm tăng, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn trước, "nhiều tỉnh điều trị F0 tại nhà giúp giảm tải cho hệ thống y tế, do vậy tình hình không đáng lo ngại".
"Các địa phương cần kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn", PGS Nguyễn Việt Hùng khuyến cáo.
Viết Tuân
Nguồn: vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC