Hãng phim đóng cửa, nghệ sĩ phải chạy xe ôm để sống. Ảnh: Minh Hạnh
Hãng Phim truyện Việt Nam (tại số 4 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội) vốn là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng. Sau khi cổ phần hóa, hãng gần như dừng việc hoạt động nghệ thuật. Hiện, trụ sở của hãng phần lớn bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí.
Theo phản ánh người lao động làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, từ tháng 10.2018 đến nay, lao động không có lương, không được đóng bảo hiểm và hưởng bất kỳ một chế độ gì.
Trụ sở của Hãng Phim truyện Việt Nam đang xuống cấp. Ảnh: Minh Hạnh
Theo đạo diễn Anh Tuấn, trước đây, hãng luôn nhộn nhịp với nhiều diễn viên, đạo diễn, quay phim gạo cội nhưng giờ thì hoang tàn như nhà không chủ, cán bộ, nghệ sĩ không có việc làm phải làm đủ nghề, đủ việc để sống.
“Nhiều người đến cơ quan chỉ để đỡ nhớ nghề, có người ai thuê gì làm nấy", đạo diễn Tuấn Anh bức xúc nói.
Hãng phim ngừng mọi hoạt động từ nhiều năm nay. Ảnh: Minh Hạnh
Cũng theo đạo diễn Anh Tuấn, vào tháng 3.2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề nợ lương, cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam nhưng đến nay, vấn đề cổ phần hoá vẫn chưa được giải quyết. Hiện hơn 40 cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, BHYT (không có bất kỳ chế độ gì).
Nhà quay phim Đức Hùng xót xa trước kho phim với hàng nghìn tư liệu vô giá ngày càng xuống cấp. Ảnh: Minh Hạnh
Để mưu sinh, nhân viên Hãng Phim truyện Việt Nam nhận việc làm ngoài theo đúng chuyên môn của mình. Tuy nhiên, có những người ở những bộ phận không thể ra ngoài làm việc gặp rất nhiều khó khăn. "Anh Vũ Lê Thiện - chuyên viên phòng dựng phim giờ phải chạy Grab kiếm sống; chuyên gia về âm thanh Bành Bắc Hải phải mở quán bia cỏ vỉa hè; nhà biên kịch Hương Dung phải bán hàng online...”, đạo diễn Tuấn Anh cho hay.
Theo nhà quay phim Nguyễn Việt Hùng, ngoài sự thiệt thòi đây cũng là sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực và tài sản. Bên cạnh đó, do cuộc sống khó khăn, không có lương nhiều người phải vay mượn nuôi con ăn học.
Nguồn: Báo Lao động
© 2024 | Thời báo ĐỨC