NGUỒN HÌNH ẢNH,CSIS/ASIA MARITIME TRANSPARENCY INITIATIVE/MAXAR 2024
Hai tàu chiến Trung Quốc neo ở quân cảng Ream, Campuchia. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024
Sự hiện diện của hai tàu chiến Trung Quốc trong một thời gian dài đang làm dấy lên những câu hỏi về mức độ thường trực của lực lượng quân sự Trung Quốc tại đây.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định đây là “dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc” tới Ream.
Cũng cần lưu ý rằng căn cứ hải quân Ream nằm ở tỉnh Sihanoukville bên bờ Vịnh Thái Lan.
Nơi này cách Đảo Phú Quốc khoảng 30 km và cách biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 90 km.
Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên đưa tàu chiến đến Căn cứ Ream vào năm ngoái.
Dự án mở rộng Căn cứ Ream do Trung Quốc viện trợ không hoàn lại và được xúc tiến vào khoảng giữa năm 2022, theo Khmer Times.
Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng cơ sở của Căn cứ Ream, Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ xây dựng cầu cảng, nâng cấp tàu chiến, các ụ sửa chữa trong căn cứ và bệnh viện quân - dân y của Campuchia.
‘Hiện diện thường trực’ ở Căn cứ Ream
NGUỒN HÌNH ẢNH,CSIS/ASIA MARITIME TRANSPARENCY INITIATIVE/MAXAR 2024
Hai tàu chiến Trung Quốc neo ở quân cảng Ream vào các ngày (theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái): 14/12/2023, 22/1/2024, 15/2/2024 và 10/3/2024. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)
Lần đầu tiên xuất hiện thông tin về sự hiện diện của hai tàu hộ tống của Trung Quốc tại Căn cứ Ream là vào ngày 3/12/2023.
Thông tin này xuất phát từ một bài đăng Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha.
Theo bài đăng, hai tàu này tới đây để tham gia huấn luyện với Hải quân Hoàng gia Campuchia.
Tới khoảng giữa tháng 1/2024, RFA dựa vào hình ảnh của Planet Labs, một công ty phân tích hình ảnh vệ tinh có trụ sở tại Mỹ, cho biết hai tàu này đã rời khỏi Ream. Tới tháng 3/2024, Nikkei đưa tin hai tàu này xuất hiện tại Ream.
Trong khi đó, theo hình ảnh vệ tinh thương mại của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á, các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chưa bao giờ rời Ream và đã duy trì sự hiện diện ở thường trực ở Ream tới nay là hơn bốn tháng.
Tính từ ngày 3/12/2023, có 91 ngày ảnh chụp vệ tinh khu vực này rõ nét. Trong đó, hai tàu chiến nói trên được xác định hiện diện tại Ream tổng cộng 85 ngày, tức khoảng 93% số ngày.
Ngược lại không có tàu hải quân của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm Campuchia, xuất hiện tại Căn cứ Ream trong các ảnh chụp vệ tinh.
Các tàu của Campuchia trong khu vực này vẫn được neo tập trung tại cầu cảng cũ và nhỏ hơn nằm ở phía nam căn cứ.
Vào năm 2020, ông Hun Sen, lúc bấy giờ là Thủ tướng Campuchia, từng tuyên bố những cơ sở được nâng cấp của Căn cứ Ream sẽ mở cửa đón tiếp tất cả các lực lượng hải quân.
Tuy nhiên, vào tháng 2/2024, hai tàu khu trục của Nhật Bản khi tới Campuchia đã được định tuyến tới Cảng tự trị Sihanoukville thay vì Căn cứ Ream.
Vị trí neo của hai tàu Nhật Bản khi đó chỉ cách Căn cứ Ream 15 km.
Việt Nam có nên lo lắng giống Mỹ?
Do khoảng cách từ Ream tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam là rất gần, như đã đề cập ở trên, nên những động tĩnh tại căn cứ này có thể khiến Việt Nam lo ngại.
Vào năm 2022, khi Căn cứ Ream được xúc tiến nâng cấp, Washington Post đã dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang thực hiện xây dựng một căn cứ quân sự bí mật tại Ream.
Cả Trung Quốc lẫn Campuchia đều phủ nhận thông tin trên.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CSIS/ASIA MARITIME TRANSPARENCY INITIATIVE/MAXAR 2024
Một cầu cảng và bến cảng mới đang được xây dựng ở khu vực phía tây nam của quân cảng Ream. Ảnh chụp vệ tinh của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngày 7/4/2024.
Trả lời BBC News Tiếng Việt vào năm 2022, ông Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, cho rằng nếu thông tin này là thật thì đây "rõ ràng là mối đe dọa tới Việt Nam, toàn bộ khu vực ASEAN và cả Mỹ”.
"Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa là họ có thể tấn công khu vực Trường Sa của Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất nếu xảy ra đụng độ trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ có nhiều hướng tấn công Việt Nam.”
"Với một căn cứ quân sự tại Campuchia, Trung Quốc cũng thể uy hiếp các quốc gia ASEAN khác,” ông nhận định.
Ông Richard Fontaine, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cũng có đánh giá tương tự.
Trả lời Washington Post vào năm 2022, ông đánh giá rằng một căn cứ ở Campuchia sẽ cho Trung Quốc "khả năng triển khai lực lượng trong khu vực mà Trung Quốc không thể có bằng cách khác.”
“Nó gắn liền với mục tiêu của Trung Quốc về việc thiết lập hiện diện quân sự vượt trội trên khắp vành đai châu Á và Biển Đông.”
Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.
Tới nay, Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn còn lo ngại việc tồn tại một thỏa thuận bí mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh với mục đích thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc tại Ream.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink từng cho biết ông đã nêu ra các vấn đề liên quan đến căn cứ hải quân Ream trong chuyến thăm Phnom Penh cuối tháng 2/2024.
“Tôi nghĩ chúng ta đều đã thấy rằng trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã có những động thái ở Biển Đông mà vừa đi ngược lại luật pháp quốc tế, vừa sử dụng biện pháp cưỡng ép nhằm đe dọa các đối tác theo những cách mà chúng tôi thấy là không thể chấp nhận được và gây bất ổn [khu vực].”
Trở lại năm 2016, Campuchia từng bày tỏ quan tâm đến việc mua lại hai tàu chiến từ Trung Quốc.
Ông Tea Banh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia vào năm 2022, từng khẳng định rằng nâng cấp Căn cứ Ream sẽ giúp Campuchia có khả năng xử lý các "nhiệm vụ có tính kỹ thuật phức tạp" hơn, bao gồm vận hành các "tàu hiện đại" được trang bị tên lửa.
Khi được hỏi qua tin nhắn liệu binh lính Trung Quốc có đang huấn luyện hải quân Campuchia tiếp nhận các tàu chiến mới hay không, Tư lệnh Căn cứ Ream là Mey Dina đã trả lời "có", theo Nikei Asia.
Ông không trả lời thêm các câu hỏi về thời gian đào tạo hoặc loại tàu sẽ được mua.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC