Hà Nội xây sân bay thứ hai vào năm 2040

Tại Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng năm 2050.

Nội dung trên được 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội có mặt biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp cuối năm, sáng 8/12. Đồ án sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới.

Tại tờ trình đề án, UBND TP Hà Nội đề xuất áp dụng mô hình thành phố trong thủ đô để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa).

Việc này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, logicstic, thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của thủ đô.

Theo từng giai đoạn phát triển, Hà Nội sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp.

Ngoài ra, thành phố cho biết việc dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô tại phía nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô, Vùng Thủ đô và quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.

Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050.

1 Ha Noi Xay San Bay Thu Hai Vao Nam 2040

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, sáng 8/12 (Ảnh: Thanh Hải).

Đề án cũng nêu rõ mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm.

Trung tâm gồm đô thị phía nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm. Thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Thành phố phía Tây gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; thị trấn sinh thái và thị trấn.

Đồng thời, thành phố định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo gồm khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất. Quy mô khoảng 1.000ha. Định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.

Khu giáo dục đào tạo tại Sơn Tây tại khu vực thị xã Sơn Tây, quy mô khoảng 300-350ha. Định hướng đào tạo lĩnh vực an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch...

2 Ha Noi Xay San Bay Thu Hai Vao Nam 2040

Hà Nội định hướng thành lập hai thành phố trực thuộc gồm thành phố phía Bắc và phía Tây (Ảnh: Ngọc Tân).

Ở khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù "phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia.

Cùng với đó, thành phố bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền - Nhà hát Lớn, trục tài chính - ngân hàng Ngô Quyền, trục thương mại - dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội...

Việc này nhằm xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại sầm uất nhất thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp với tiềm năng kinh tế năng động sẵn có.

Thủ đô cũng ưu tiên phát triển ngầm tại khu vực này như tuyến phố trung tâm thương mại ngầm dẫn từ nhà ga Hà Nội đến trung tâm dọc phố Trần Hưng Đạo, kết nối với trục không gian sông Hồng.

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP đề nghị làm rõ hơn định hướng phát triển về quy mô của các đô thị để phù hợp với thực tiễn phát triển của thủ đô sau hơn 10 năm.

Ngoài 5 trục phát triển như đề xuất, đồ án cần xem xét thêm vai trò, tầm quan trọng của trục kết nối đô thị trung tâm với đô thị Xuân Mai để bổ sung, nếu phù hợp.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày