Hà Nội lý giải 3.050 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp bị trả chậm

Năm 2023, Hà Nội đã cấp phiếu lý lịch tư pháp qua 3 hình thức (trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính công ích) cho gần 98.700 hồ sơ. Số hồ sơ bị trả chậm, muộn là 3.050.

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Bộ Tư pháp tình hình cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên địa bàn và đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện thực hiện cấp phiếu LLTP.

Phòng LLTP thuộc Sở Tư pháp Hà Nội hiện có 9 công chức, trong đó 7 người trực tiếp làm việc tại Phòng LLTP, 2 người làm việc tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính (bộ phận một cửa).

Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phiếu LLTP qua 3 hình thức (trực tiếp, trực tuyến và qua bưu chính công ích).

Năm 2023, số lượng hồ sơ đã cấp phiếu LLTP qua 3 hình thức trên gần 98.700 hồ sơ. Số lượng hồ sơ bị trả chậm, muộn là 3.050 hồ sơ.

1 Ha Noi Ly Giai 3050 Ho So Cap Phieu Ly Lich Tu Phap Bi Tra Cham

Người dân chờ đợi, xếp hàng từ 4h ở Sở Tư pháp Hà Nội để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh chụp vào tháng 4/2023: Nguyễn Hải).

"Hàng năm, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP của công dân được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt 97%; số hồ sơ trễ hạn chiếm tỷ lệ 3%", báo cáo của Hà Nội cho hay.

Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Hà Nội cho rằng, các trường hợp qua tra cứu, xác minh tại Cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) cho thấy người yêu cầu cấp phiếu LLTP từng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có thông tin về kết quả xử lý cuối cùng. Do đó, Sở Tư pháp phải phối hợp với công an, viện kiểm sát, tòa án (nơi trước đây đã thụ lý, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng) để tra cứu, xác minh.

Cũng có trường hợp, người yêu cầu cấp phiếu LLTP có án tích đã đủ thời hạn đương nhiên xóa án tích theo quy định, Sở Tư pháp Hà Nội phải tiến hành thủ tục xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích tại các cơ quan tố tụng và UBND xã, phường, thị trấn nên không thể trả kết quả đúng hạn.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của công dân hiện nay đã thực hiện trên phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Số lượng hồ sơ đề nghị cấp phiếu LLTP mỗi năm ở thủ đô rất lớn. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất.

Các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án,... thực hiện số hóa, cập nhật thông tin LLTP, thông tin án tích, kết quả chấp hành án, thực hiện thi hành án để cập nhật chung vào cơ sở dữ liệu về LLTP và liên thông, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này nhằm chia sẻ thông tin khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính yêu cầu có thông tin LLTP.

2 Ha Noi Ly Giai 3050 Ho So Cap Phieu Ly Lich Tu Phap Bi Tra Cham

Hai loại phiếu lý lịch tư pháp (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, Hà Nội kiến nghị xác định thủ tục cấp phiếu lý lịch xóa án tích là một thủ tục hành chính riêng, khác với thủ tục đề nghị cấp phiếu LLTP trong trường hợp không có án tích để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục.

Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền bỏ khâu trung gian là Sở Tư pháp trong quy trình cấp phiếu LLTP - dữ liệu về lý lịch tư pháp do các cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng trong quy trình tố tụng nắm giữ, Sở Tư pháp chỉ là khâu trung gian.

2 loại phiếu lý lịch tư pháp

Theo Luật lý lịch tư pháp, có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp; mỗi loại phục vụ các mục đích khác nhau.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp, tức là cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày