Hà Nội có thể hạn chế hoặc dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu

UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ"; cho phép các quận, huyện, thị xã hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong những ngày gần đây, với số lượng ca mắc mới ngoài cộng đồng tiếp tục tăng cao, UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai Trạm Y tế lưu động để thu dung, cách ly, quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại các cơ sở thu dung.

Đồng thời, TP Hà Nội cũng yêu cầu ngành y tế thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động, gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19).

1 Ha Noi Co The Han Che Hoac Dung Mot So Hoat Dong Dich Vu Khong Thiet Yeu

Sau nhiều ngày có số ca mắc COVID-19 tăng cao, Hà Nội cho phép các địa phương hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch.

Tổ này sẽ thực hiện nhiệm vụ, gồm tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao. Các thành viên trong tổ được hưởng các chế độ phòng, chống dịch theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương theo phương châm "4 tại chỗ"; được tập huấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.

Sở Y tế Hà Nội chịu trách nhiệm phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế lưu động; giao các địa phương rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly F1 tại nhà.

Theo văn bản mới nhất của TP Hà Nội, căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về "thích ứng an toàn với dịch", các quận, huyện, thị xã sẽ đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ.

Cụ thể, việc điều chỉnh theo cấp độ dịch bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...).

Theo đánh giá cấp độ dịch tính đến ngày 3/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình. Trong đó có 7 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới), giảm 12 địa phương so với lần công bố ngày 26/11. Các "vùng xanh" gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây; 23 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2; 523 xã, phường cấp độ 1 (giảm 12 địa phương); 53 xã phường cấp độ 2 (tăng 11 địa phương); 3 xã, phường cấp độ 3, tức màu cam, nguy cơ cao (tăng 1 địa phương), gồm: phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), phường Trung Phụng (quận Đống Đa).

Ngoài ra, các địa phương cần huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông vận tải chủ động điều phối, vận chuyển F0 nhẹ và không triệu chứng, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và các F1... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần thiết.

Nhiều ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận kỷ lục ca mắc COVID-19, điển hình ngày 4/12 với 628 ca (trong đó 190 ca cộng đồng).

Lan Anh

Nguồn: baotintuc.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày