Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc hãng gọi xe công nghệ Grab cập nhật chính sách thu phụ phí nắng nóng đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là người tiêu dùng. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đơn vị sẽ có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thêm thông tin và giải trình về chính sách thu phụ phí nắng nóng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Việc Grab thu phụ phí thời tiết nắng nóng với một số dịch vụ như là không thể chấp nhận được. Bởi theo ông Hùng, thời tiết có lúc mưa, lúc nắng, còn giá dịch vụ được hình thành từ đầu vào theo quy định.
“Việc nay nắng, mai mưa, ngày kia trời trở rét là điều bình thường của thời tiết, nếu cứ thu phụ phí như vậy thì không ổn. Đứng về góc độ người tiêu dùng tôi thấy nó không phù hợp” - ông Hùng nói.
Cũng theo Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Hội đã kiến nghị với các đơn vị khi thu phụ phí hay tăng giá cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, làm sao gắn bó với người tiêu dùng lâu dài, chứ không thể ngày một, ngày hai để mất đi tính cạnh tranh.
Hãng gọi xe công nghệ Grab cập nhật chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng với một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood…
Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay xăng dầu tăng giá đã đánh trực tiếp vào túi tiền người tiêu dùng, bằng chứng là giá mỗi cuốc xe Grab cũng tăng giá đáng kể. Nay lại thu phụ phí nắng nóng, chẳng khác nào “bóp cổ” người tiêu dùng.
“Bất kỳ sự tăng giá nào cũng phải hết sức chặt chẽ. Đành rằng có những mặt hàng không thuộc nhà nước quản lý nhưng người kinh doanh, người sản suất phải có sự chia sẻ với người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng đã rất chia sẻ với nhà đầu tư, người kinh doanh khi mà giá đầu vào sản xuất tăng thì đầu ra sản phẩm cũng tăng và người tiêu dùng chấp nhận mua bán, sử dụng dịch vụ ở mức giá cao hơn thường lệ” - ông Hùng phân tích.
Trong câu chuyện Grab thu phụ phí thời tiết, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Phải có cái nhìn chia sẻ giữa quyền lợi nhà nước, quyền lợi doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Khi Grab thu phụ phí cần phải làm rõ, lái xe được hưởng cả 5.000 đồng đó hay Grab “ngồi mát ăn bát vàng” cùng được hưởng. Nếu như thế thiệt thòi cuối cùng vẫn sẽ là người tiêu dùng.
Ông Hùng nhắc lại, lái xe Grab nắng nóng thì người tiêu dùng đi xe cũng nắng nóng, tại sao không đặt ngược lại là Grab hỗ trợ người tiêu dùng để kích cầu. “Ở đây, Grab cũng nên có sự chia sẻ cùng người tiêu dùng và việc thu phụ phí đối với người tiêu dùng của Grab là không chấp nhận được” - ông Hùng nêu quan điểm.
Mới đây, hãng gọi xe công nghệ Grab cập nhật chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng với một số dịch vụ như GrabBike, GrabFood… Cụ thể, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Grab sẽ thu thêm 3.000 đồng đối với dịch vụ GrabExpress (giao hàng) và 5.000 đồng đối với dịch vụ GrabBike (di chuyển), GrabFood (giao đồ ăn), GrabMart (đi chợ hộ).
Còn tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, phụ phí sẽ là 5.000 đồng đối với dịch vụ GrabBike và GrabFood.
Phụ phí sẽ áp dụng cho từng đơn hàng trong chuyến xe, đồng thời được cộng trực tiếp vào giá cước ở những thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, Grab chưa thông tin cụ thể tiêu chí, mức độ "gay gắt" của thời tiết.
Theo Grab, chính sách mới nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng. Đây cũng là ứng dụng gọi xe duy nhất tính đến nay áp dụng chính sách phụ thu thời tiết khắc nghiệt.
Theo Congthuong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC