Hãng xe khởi nghiệp của Việt Nam trong một thời gian ngắn đã là công ty ô tô có giá trị vốn hóa cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Tesla và Toyota, sau màn ra mắt rầm rộ ở Mỹ vào tháng 8 năm ngoái.
Nhưng VinFast đã không bán được xe như kỳ vọng tại thị trường Mỹ, nơi hãng phải cạnh tranh với những thương hiệu lớn như Tesla và lâu đời như Toyota hay Ford, trong lúc báo lỗ làng tỷ đô la cũng như vấp phải các vụ kiện tại Mỹ liên quan đến xe điện của họ.
Sau khi nhận thấy thị trường Mỹ là một thị trường khó chinh phục, giữa lúc tình hình tài chính của công ty đang bị đe dọa, VinFast đang hy vọng chiếc xe rẻ nhất của họ – một chiếc SUV mini chạy pin thuần túy có giá 240 triệu đồng và được gọi là VF3 – sẽ trở thành một chiếc xe giành được thiện cảm của người tiêu dùng tại thị trường châu Á, theo nhận định của AP.
VinFast cho biết họ đã nhận được hơn 27.600 đơn đăng ký mua xe VF3 hồi giữa tháng 5 chỉ sau 66 giờ mở nhận đặc cọc sớm, một kỷ lục mà họ nói là “chưa từng có trên thị trường ô tô.” Hãng xe điện nói rằng điều này khẳng định “sức hút ấn tượng” của VF3 và nó xứng tầm là “mẫu xe quốc dân” tại Việt Nam.
Theo VinFast, VF3 được thiết kế dành riêng cho thị trường Việt Nam và các thị trường châu Á khác và có giá “thu hút đại chúng”. Bà Lê Thị Thu Thủy, chủ tịch Tập đoàn Vingroup, được AP trích lời cho biết trong một cuộc họp trực tuyến cập nhật tình hình tài chính của công ty hồi tháng 4 rằng dự kiến doanh thu từ VF3 sẽ lớn hơn so với các dòng xe trước đó vốn chỉ nhằm xuất khẩu sang các thị trường phương Tây.
VF3 được ra mắt ở hội chợ triển lãm công nghệ CES 2024 hồi tháng 1 ở Las Vegas, nơi VinFast công bố kế hoạch tung mẫu xe điện SUV này ra thị trường toàn cầu, trong đó có Mỹ.
Một trạm sạc xe điện của VinFast ở Hà Nội.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cam kết sẽ đầu tư vào VinFast "cho đến khi tôi hết tiền."
Giữa bối cảnh xe điện suy giảm và khả năng chi trả là trở ngại lớn đối với người mua ô tô ở Mỹ, bà Thủy, trong cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, nói rằng VF3 là một “bước ngoặt thú vị” và VinFast sẽ ra mắt dòng xe nhỏ này tại thị trường Mỹ vào đầu năm tới. Theo bà Thủy, tất cả các đại lý của VinFast ở Mỹ đều thích VF3 và “nó sẽ là chiếc xe bán chạy nhất của chúng tôi.”
Bà Dương Thị Thu Trang, tổng giám đốc VinFast thị trường Việt Nam cho biết khi VinFast chào bán VF3 rằng hãng mong sẽ “phát triển thành thương hiệu Việt Nam đẳng cấp hàng đầu thế giới.”
VinFast đã mong muốn trở thành thương hiệu toàn cầu cùng với các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới khi bắt đầu bán hàng tại Mỹ vào năm ngoái và niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq, nơi giá trị thị trường của hãng đã nhanh chóng vượt qua cả GM và Ford vào cuối tháng 8.
Nhưng cổ phiếu của hãng xe Việt Nam đã nhanh chóng tụt xuống mức dưới 4 USD từ mức cao nhất là 82,35 USD. VinFast cũng đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở North Caronlina, nơi công ty cho biết rằng họ đang “tiến hành xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh của quá trình xây dựng.”
VinFast cũng đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý liên quan đến vụ tai nạn khiến 4 người thiệt mạng ở California cũng như những cáo buộc vi phạm bằng sáng chế. Ngoài ra, hãng cũng bị hai công ty luật ở Mỹ kiện với cáo buộc “vi phạm luật chứng khoán.”
VinFast chưa bán được tới 1.000 xe ở Bắc Mỹ vào năm ngoái. Số lượng bán xe trên toàn cầu của hãng cũng chưa đạt con số 35.000 xe trong năm 2023 mặc dù VinFast có nhà máy ở Hải Phòng với công suất hàng năm là 300.000 ô tô.
Phần lớn xe bán trong nước của VinFast được hãng taxi xanh SM, thuộc sở hữu của ông Vượng, mua. Hãng chỉ giao được 9.689 xe trong 3 tháng đầu năm nay, kém xa mục tiêu 100.000 xe cho cả năm.
VinFast lỗ ròng 2,39 tỷ USD vào năm ngoái, mặc dù doanh thu tăng 90%. Để khắc phục tình trạng tài chính khó khăn của mình, gần đây Tập đoàn Vingroup, vốn sở hữu VinFast, đã bán công ty bất động sản thương mại đang sinh lời của mình là Vincom Retail. Theo hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, ông Vượng đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD tài sản cá nhân của mình bên cạnh khoản tài trợ 11,4 tỷ USD mà Vingroup đã bơm vào VinFast trong thời gian từ 2017 đến 2023.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào tháng 4 vừa qua, ông Vượng đã cam kết thêm 1 tỷ USD nữa từ tài sản cá nhân, khi ông nói rằng “tất cả cho VinFast,” theo Dân Trí.
Ông Vượng, nhà sáng lập Vingroup, đã trực tiếp điều hành VinFast khi đảm nhiệm chức tổng giám đốc hãng xe thay cho bà Thủy hồi đầu năm nay. Nhà tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện đang có tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, theo đánh giá tại thời điểm thực của Forbes ngày 26/6.
VinFast, ngay từ khi bắt đầu sản xuất xe vào năm 2019, đã cho ra mắt những loại xe đắt tiền, vốn được xem là trái ngược với những gì các nhà sản xuất ô tô khác đã làm là đưa ra các dòng xe rẻ tiền và từ đó phát triển lên. Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng liệu đó có phải là một sai lầm không, ông Vượng nói rằng mục tiêu của VinFast không phải là thương thiệu rẻ tiền mà là thương hiệu hợp túi tiền cũng như “làm ra những chiếc xe tốt với giá cả phủ hợp.”
Tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 4, ông Vượng đã tái khẳng định mục tiêu “VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội” và rằng “VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới.”
Tạp chí TIME của Mỹ hôm 30/5 đưa VinFast vào nhóm 100 công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu trong năm 2024, vì đã tạo ra những bất ngờ như có giá cổ phiếu tăng phi mã đến 700% sau hai tuần mở bán và hình thức kinh doanh độc đáo là bán xe điện nhưng cho thuê pin cùng kế hoạch táo bạo nhắm tăng gấp 3 lần số lượng xe giao trong năm nay.
Nhưng ngành công nghiệp xe điện có rất nhiều ví dụ về các tỷ phú đã cố gắng và thất bại trong việc cạnh tranh với những gì tỷ phú Mỹ Elon Musk đã làm với Tesla. Tập đoàn xe điện Trung Quốc Evergrande New Energy Vehicle Group do tỷ phú Hứa Gia Ấn làm chủ tịch là một ví dụ. Từng có giá trị hơn Ford và GM, tập đoàn Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ khi công ty mẹ của nó bị cuốn vào cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc vào năm 2021, với tổng số nợ đang phải gánh là hơn 300 tỷ USD, theo Reuters.
Nhà phân tích Ken Foong của Bloomberg Intelligence cho biết VinFast đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro do sự cạnh tranh ở Mỹ khi hãng xe Việt Nam là một công ty mới gia nhập vào ngành này.
“Họ sẽ cần phải xây dựng thương hiệu của mình và phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt,” ông Foong được Bloomberg trích lời nói. “Nó sẽ không dễ dàng ở Mỹ. Nó sẽ ngốn thời gian và tiền bạc.”
Ngay cả ở châu Á, VinFast cũng phải đối mặt với nhiều cạnh tranh, đặc biệt từ nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc, vốn đã đạt được quy mô đủ lớn để sản xuất tiết kiệm chi phí. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc như BYD và Haima đang nhanh chóng mở rộng ở Đông Nam Á.
Nhưng, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof-Ishak nhận định với AP, sự gần như độc quyền của VinFast về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam – với các trạm sạc nằm rải rác trên cả nước, không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở các tỉnh miền núi xa xôi – cùng với tâm lý không tin tưởng sản phẩm Trung Quốc của người tiêu dùng Việt cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa có thể mang lại lợi thế ban đầu cho VinFast.
Hãng xe Việt Nam đã mở phòng trưng bày đầu tiên ở Jakarta vào tháng 4 và cho biết họ đã bán được khoảng 600 chiếc SUV cho các công ty Indonesia. VinFast cũng đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, VinFast đang phải chạy đua với thời gian. Theo TS Hiệp nói với AP, nếu “họ không thể duy trì đủ lâu, họ có thể phá sản.”
Khi được hỏi liệu có thể “sẵn sàng đi bao xa” sau khi đã đầu tư 2 tỷ tiền cá nhân vào phát triển VinFast, ông Vượng nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng “cho đến khi tôi hết tiền.” Ông Vượng tự tin cho biết VinFast sẽ “đạt điểm hòa vốn và có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.”
Nguồn: VOA
© 2024 | Thời báo ĐỨC