Ông Lê Minh Tấn, cựu giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM
Phản ứng của người dân phải sống khó khăn trong mùa dịch đối với vị quan chức này ra sao?
Lối hành xử ích kỷ
Chị M, hiện đang sống trong một xóm lao động ở xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, nói với RFA rằng hành động của một quan chức như vậy là quá tệ:
“Đối với ông ấy mà nói thiếu ăn đến nỗi phải nhận vài triệu đồng, so với lại những gia đình nghèo khác thì nó dở quá, nó tệ quá! Ví dụ như ông ấy thuộc những người khó khăn thì ông ấy nhận mình cũng không nói.
Đằng này ông ấy vẫn có lương trong những ngày tháng đó. Gia đình của ông ấy cũng không thuộc dạng khó khăn mà lại đi nhận bốn triệu sáu. Trong khi đó, đầy gia đình khó khăn ăn thì lại không có. Cho nên nó không được hay.”
Chị M, kể trong bốn tháng phong toả hồi năm ngoái, gia đình chị được lãnh đúng một triệu đồng và hơn chục ký gạo tồn kho, gần lên mốc ăn không nổi, sau dịch phải đem bán lại.
Theo chị, ở các vùng ven TPHCM như Hóc Môn, Củ Chi hay Bình Chánh, số người chưa nhận đủ hay chưa được nhận tiền hỗ trợ do dịch COVID -19 là rất nhiều, hầu hết trong số đó là lao động phổ thông, như công nhân và buôn bán tự do…
Ở khu vực của chị M, sinh sống chỉ phát tiền hỗ trợ một đợt duy nhất, theo lý thuyết là mỗi người sẽ nhận được một triệu đồng. Đến ngày phát tiền, xã nói thông tin trong danh sách (do xã lên) bị sai sót, những ai bị sai sót phải về xem xét và chỉnh sửa lại, hẹn bà con lần sau sẽ phát đủ. Nhưng từ đó đến giờ không thấy ai phát cho đồng nào nữa:
“Số tiền đó đâu có thấm vào đâu, nó chỉ đỡ được chút nào hay chút đó cho bà con thôi, chứ làm sao mà đủ được. Tại vì lúc đó là người ta đang trong lúc ngặt nghèo, không đi làm được cho nên một triệu lúc đó là quý.
Còn bây giờ, khi mà cuộc sống đã trở lại rồi, người ta đã đi làm và đã có lương rồi mà đi lên xã để đòi cho được một triệu thì chắc là còn khó khăn hơn, không dễ để mà đòi được đâu, cho nên đa số cũng bỏ luôn. Thấy vậy người trên xã cũng bỏ luôn tới giờ cũng không nghe nói năng gì tới.”
Ông T, đang sinh sống ở Bình Thạnh, TPHCM có gia đình hai con nhỏ, sau bốn tháng cũng được một triệu đồng. Nhận xét về vụ việc của ông Lê Minh Tấn, ông T, nói số tiền 4,6 triệu đồng là rất nhỏ, nhưng nó cho thấy ông này hành xử rất ích kỷ, nhỏ nhen, và không quan tâm gì đến những người nghèo đói hơn mình, cần số tiền đó hơn mình gấp nhiều lần:
“Tôi nghĩ đó là một hành động nhỏ, vô liêm sỹ, ích kỷ. Ông ấy thừa biết còn biết bao nhiêu người khổ gấp mấy lần ông ấy, những người công nhân phải đi xe máy bất chấp tất cả vượt rào, thông chốt để về quê vì ở đây họ lấy gì để sống họ không còn một con đường nào khác nữa hết.
Đối với người lao động, nó có thể giúp họ sống được thêm một, hai tháng nhưng ngược lại, đối với các ông ấy chỉ là một buổi cà phê thôi.
Tôi nghĩ là đó là hành động ích kỷ không quan tâm gì đến người nghèo khổ, mà ông ấy lại là giám đốc Sở LĐ TB & XH - một cái sở mà đáng ra là giúp đỡ những người khổ, khó khăn.”
Hồi tháng 3/2022, Ông Lê Minh Tấn bị tố cáo có nhiều sai phạm. Trong đó, ông Tấn cùng với các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Sở đã nhận tiền hỗ trợ sai quy định. Ông này cũng chỉ đạo hai người dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền đóng góp khắc phục hậu quả do dịch.
Sau khi báo chí trong nước đưa tin về vụ việc, tất cả thành viên đã trả lại số tiền đã nhận, riêng ông Tấn trả lại 4,6 triệu đồng.
Ngày 4/5, Văn phòng UBND TP.HCM đã gửi văn bản đến Thanh tra TP.HCM đề nghị giải quyết các đơn tố cáo liên quan đến ông Tấn.
Hạ cánh an toàn?
Trước đó, vào ngày 1/5, UBND TPHCM ban hành quyết định cho ông Lê Minh Tấn được về hưu non theo nguyện vọng của ông này, vì lý do “mất sức lao động” để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Mạng báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TPHCM trong buổi trao quyết định cho ông Tấn về hưu, nói rằng đảng và nhà nước ghi nhận những cống hiến của ông Tấn trong mấy chục năm qua, và rằng ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trước khi về hưu.
Một thắc mắc được nêu ra trong bài viết trên Cổng thông tin Công an Nhân dân khi đưa tin về vụ việc này rằng “Ông Tấn đang trong quá trình bị xem xét sai phạm theo đơn tố cáo mà cho nghỉ hưu là không ổn. Nếu tố cáo là sự thật thì xử lý thế nào? Dù nghỉ hưu nhưng cần xem xét lại các việc làm trước đây, đừng để hạ cánh an toàn.”
Một luật gia không muốn nêu tên ở TPHCM nói với RFA rằng, Theo Luật Công chức, Điều 82 về “Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật” có quy định rằng “Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.”
Theo luật gia này, trường hợp của ông Tấn là chưa có quyết định kỷ luật, chỉ đang bị điều tra xem xét các đơn tố cáo về hành vi vi phạm thôi, nên quyết định cho về hưu sớm, xét trên luật, là không sai.
Còn chuyện UBND thành phố gấp rút cho ông Tấn nghỉ hưu sớm, ông T, cho rằng hiện giờ chưa điều tra được ông này có gian lận thêm số tiền nào khác hay không. Nếu không có, và chỉ với 4,6 triệu thì khó mà xử lý hình sự. Nhưng để ông ấy ở lại thì cũng mất hình ảnh cán bộ thành phố, cho nên, theo ông T, có thể họ đã dàn xếp với nhau để ông Tấn được “đáp an toàn”:
“Tôi nghĩ việc về hưu sớm do mất sức là có sự thỏa thuận ngầm, sắp xếp cho về hưu để tránh sự phẫn nộ của người dân.
Theo tôi nghĩ với bốn triệu rưỡi thì cũng không thể truy tố trách nhiệm hình sự, nhưng mà nó thể hiện trách nhiệm và lương tâm của một người cán bộ, nó làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ, nên tôi nghĩ họ có sự thỏa thuận gì đấy với nhau rồi cho về sớm.”
Đối với hành động ăn chặn tiền hỗ trợ COVID-19 của ông Lê Minh Tấn mà ông Bí thư Nguyễn Văn nên vẫn phát biểu nói ông Tấn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị M, nhận định:
“Đó chỉ là những lời khen kiểu nịnh nhau vậy thôi! Nhận bằng khen của Chủ tịch nước hôm trước rồi mấy hôm sau bị bắt còn không ăn thua. Vụ Việt Á là nó đi lên tới cấp Quốc gia, được ông Nguyễn Xuân Phúc ký khen tặng rồi mà còn bị hốt bình thường mà.”
Nguồn: RFA
© 2024 | Thời báo ĐỨC