Bà Đào Hồng Lan đề xuất dùng nguồn cải cách tiền lương để thực hiện dự án - Ảnh: Quochoi.vn
Là một trong những địa phương có dự án đường vành đai 4 đi qua, bà Đào Hồng Lan, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho hay việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (trung ương, địa phương).
Đến nay, Bắc Ninh đã có nghị quyết thông qua triển khai đường vành đai 4. Theo phương án ban đầu, đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay, nhưng thẩm tra thì cho thấy phương án này không phù hợp.
Do đó, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị cần tính toán đảm bảo vốn thì cho phép các tỉnh sử dụng các nguồn từ nguồn cải cách tiền lương.
Chẳng hạn, Bắc Ninh hiện ngoài nguồn cải cách tiền lương theo quy định thì vẫn còn một nguồn dự phòng, nên bà đề nghị cho phép áp dụng nguồn lực cải cách tiền lương để triển khai các dự án quan trọng, như dự án tuyến đường cao tốc đi qua địa phương.
Trường hợp thiếu, địa phương sẽ xin trung ương cho sử dụng nguồn huy động trái phiếu. Bà Lan đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, thể chế hóa trong nghị quyết của Quốc hội để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Tuy nhiên, về sử dụng nguồn cải cách tiền lương để lấy tiền làm các dự án cao tốc này, Chủ tịch Quốc hội nói, "không nên đặt ra ở đây vì đụng chạm tới nghị quyết trung ương về cải cách tiền lương".
Ông cho biết, khoản vượt thu ngân sách trung ương 2021 gần 22.000 tỉ đồng được quyết định để lại để cải cách tiền lương. Cải cách tiền lương khác điều chỉnh lương hằng tháng, trong khi tiền lương không phải chi một lần, mà đây là khoản chi thường xuyên hằng năm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải lo xây dựng thị trường vốn dài hạn - Ảnh: Quochoi.vn
"Nhiều địa phương nghĩ đủ tiền cải cách tiền lương là chỉ chi một năm thôi, không phải vậy. Sau COVID-19 dự trữ tài chính cũng tiêu một khoản rồi. Giờ hằng năm muốn điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức mà không được" - ông Huệ nói.
Theo đó, Quốc hội đã có nghị quyết, quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. Phải dành nguồn này cho cải cách tiền lương.
Mặt khác "cải cách" không đơn thuần là điều chỉnh mức tiền lương cơ sở 7%, còn khoản chênh lệch, điều chỉnh bước, bậc, hệ số lương… nên tổng tiền cần cho cải cách tiền lương tương đối lớn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta đã hoãn việc cải cách tiền lương vài năm rồi, và ba năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức.
Nên cần dành nguồn tiền này để cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác. "Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cao tốc", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đồng thời, ông Huệ cũng bày tỏ băn khoăn khi các dự án đều chuyển sang hình thức đầu tư công, dù đã có Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhưng đến nay lại chuyển hết sang đầu tư công.
"Đó là vấn đề cần phải đánh giá một cách căn cơ. Thị trường vốn dài hạn kém phát triển. Phải lo xây dựng thị trường vốn dài hạn. Các nước các dự án đầu tư kết nối hạ tầng chủ yếu là BOT, PPP. Giai đoạn phục hồi thì ta lấy vốn gói này nhưng lâu dài thì phải sử dụng vốn xã hội" - ông Huệ yêu cầu.
Băn khoăn đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá thi công
Đối với dự án đường vành đai 4 TP.HCM, đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng nếu không có đường vành đai kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh sẽ cản trở rất lớn cho sự phát triển TP.HCM và cả vùng.
Tuy nhiên, cũng hết sức băn khoăn về việc dự án vành đai 3 TP.HCM đặt ra tiến độ giải phóng mặt bằng một lần, trong thời gian ngắn, trong khi cơ chế, chính sách, vốn đầu tư gắn với việc trượt giá, lạm phát…, ông Hải đề nghị ngoài trách nhiệm của địa phương cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan trung ương là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án đạt tiến độ đề ra.
T.LONG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC