Chưa hết ồn ào sau nhiều đề xuất gây tranh cãi liên quan đến lĩnh vực giao thông như quy định ô tô không được dừng quá 5 phút, đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng... dư luận lại thêm một phen xôn xao khi Bộ GTVT đề xuất đổi tên xe buýt thành 'xe khách đường phố' tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ.
Theo đó, ngày 30/9, Đoàn Đại biểu TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Một trong những chi tiết đáng chú ý nhất tại cuộc hội thảo này là việc nhiều sở, ngành địa phương đã cùng thống nhất ý kiến đề nghị giữ nguyên tên xe buýt thay vì có tên mới "xe khách thành phố" theo như dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Nghe đến đây, có lẽ không ít người phải giật mình. Bởi lâu nay, liên quan đến bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi – văn bản luật được Bộ GTVT chủ trì xây dựng vốn xuất hiện rất nhiều nội dung gây ra ý kiến trái chiều trong dư luận.
Tên gọi xe buýt vốn gần gũi, thân thuộc với người dân Việt Nam mấy chục năm nay, kể từ khi loại phương tiện công cộng này xuất hiện. Chẳng hiểu mục đích mà đơn vị soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi hướng đến khi đưa ra đề xuất này là gì nhưng theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đây là thuật ngữ lạ lẫm với người dân và không gần gũi với thực tiễn.
Với đề xuất đòi đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố”, Bộ GTVT một lần nữa lại trở thành tâm điểm tranh cãi của dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, cơ quan này đang quá chú trọng vào vấn đề câu chữ mà quên đi nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách của mình mới là quan trọng nhất.
Liệu rằng cố gắng đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố” có giúp loại hình vận tải công cộng này được tốt hơn trước hay không?
Cần phải nhớ rằng, đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT sa đà vào những vấn đề “thay tên đổi họ” cho những loại hình dịch vụ trong lĩnh vực của mình. Cách đây không lâu, chính cơ quan này trở thành tâm điểm của những chỉ trích khi hết lần này đến lần khác tìm cách đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” rồi sau đó là “trạm thu tiền”.
Trong khi vào thời điểm đó (thậm chí là đến tận bây giờ), những vấn đề bất cập, sai phạm của các trạm thu phí BOT vẫn còn vô cùng nhức nhối. Thay vì tập trung nghiên cứu, tìm phương án tháo gỡ vấn đề BOT theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ GTVT là cố gắng “thay tên đổi họ” các trạm BOT.Đã từng có không ít ý kiến thắc mắc về mục đích thật sự của Bộ GTVT đằng sau những lần “đuổi hình bắt chữ” này.
Lời giải thích được đưa ra cũng nhiều nhưng có vẻ chẳng lần nào được dư luận và người dân đón nhận một cách tin tưởng.
Ảnh: Công Hùng
Hiện tại, tên gọi “trạm thu phí” vẫn được giữ nguyên. Đối với câu chuyện xe buýt hay “xe khách thành phố” có lẽ cũng sẽ cùng chung một kết quả như vậy.
Bởi chưa cần nghe lời giải thích của Bộ GTVT, chỉ nghe qua thuật ngữ mới đã cảm thấy không thuận tai.
Còn riêng với Bộ GTVT, nếu cơ quan này vẫn còn giữ nguyên “đam mê” với việc đi tìm thuật ngữ để “thay tên đổi họ” cho những khái niệm vốn đang quen thuộc trong lĩnh vực của mình thì chừng đó những vấn đề bất cập về mặt chuyên môn trong lĩnh vực GTVT sẽ chẳng bao giờ được giải quyết một cách triệt để.
Nguồn: Kinh Tế Đô THị
© 2024 | Thời báo ĐỨC