Đại biểu Nam Định Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. ẢNH NGỌC THẮNG
Bù lỗ số tiền khổng lồ
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 5.11, ngày cuối cùng trong 3 ngày thảo luận liên tiếp được truyền hình trực tiếp về chủ đề này, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã đề cập đến số tiền khổng lồ mà ngân sách phải bù cho dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn do chính sách mà “chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh".
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, “với cơ chế GGU - gọi là ưu đãi thuế nhập khẩu 3% - 5% - 7% cho dự án, theo tính toán, sau khi bù trừ số tiền thuế, phí, tiền thuê đất… thu được từ dự án, thì số tiền phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm, bắt đầu từ ngày nhà máy vận hành thương mại, là 36.730 tỉ đồng, nếu giá dầu là 50 USD/thùng; là 47.870 tỉ đồng nếu 60 USD/thùng; 64.580 tỉ đồng, nếu giá dầu 75 USD/thùng; và 88.100 tỉ đồng, nếu giá dầu là 100 USD/thùng”.
Ông Chiểu cũng nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và cử tri cả nước, thực hiện nhiệm vụ được giao, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đã giám sát chuyên đề này, báo cáo giám sát đã gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Phải chăng đây không phải là gỗ, là củi, mà là sắt, là thép, thậm chí là kim cương?
Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, “qua nghiên cứu kỹ GGU”, vị đại biểu Nam Định cho biết mình còn thấy “có 3 nội dung ưu đãi trái với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết".
Thứ nhất là việc áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với toàn bộ vòng đời dự án.
Thứ hai là cán bộ, công nhân viên làm trong khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.
Thứ ba là trong bất cứ tình hình thị trường, quan hệ cung cầu ra sao, thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng dầu do nhà máy sản xuất ra, tại cổng nhà máy.
Ông Chiểu cho rằng, với 3 cam kết trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể thiệt hại gây ra cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu, nhưng “chắc chắn không phải là nhỏ”. “Nó phải là hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng, cộng với số tiền phải thực hiện cam kết thuế nhập khẩu như trên, thì thiệt hại ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn. Có phải chăng đây là sự việc gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia từ trước đến nay hay không?”, ông Chiểu đặt câu hỏi.
Cũng theo vị đại biểu này, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành chức năng nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư, nhưng họ không nhượng bộ, với lý do các thoả thuận GGU đã được nhà đầu tư tính toán và hiệu quả kinh doanh của dự án. Duy chỉ có 1 nội dung nhà đầu tư đồng ý, là hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển từ cổng nhà máy đến kho nhà phân phối (khoảng 20 triệu USD).
“Do nhà đầu tư không nhượng bộ, nên theo tôi được biết là Chính phủ đang tích cực họp bàn phương án nguồn tiền để thực hiện cái gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư để trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy phương án tối ưu nhất”, ông Chiểu cho biết thêm.
Đại biểu này cũng nhấn mạnh, GGU là thoả thuận quốc tế nên chúng ta không thể không thực hiện. Số tiền gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư này, dù cấp trực tiếp từ ngân sách hay gián tiếp thông qua PVN, đều gây gánh nặng với ngân sách quốc gia, “tức là thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau”.
“Thưa Quốc hội, số tiền rất lớn làm thiệt hại cho ngân sách Quốc gia do một số người trong Chính phủ tiền nhiệm gây ra chắc chắn không phải riêng tôi băn khoăn. Tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa được xử lý nghiêm minh theo pháp luật? Phải chăng đây không phải là gỗ, là củi, mà là sắt, là thép, thậm chí là kim cương? Cần sớm có câu trả lời công khai trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị của đất nước”, ông Chiểu đặt vấn đề.
Nhiệm kỳ tới sẽ phải tăng thu thuế, phí
Cũng trong bài phát biểu của mình, đại biểu Trần Quang Chiểu khen ngợi việc năm nay GDP chỉ đạt 45% kế hoạch nhưng thu ngân sách vẫn đạt gần 90% dự toán năm, và "nhấn mạnh" dù nhiệm kỳ 2016 - 2020, ngành tài chính đã huy động được 23,5% GDP từ thuế, phí vào NSNN, vượt chỉ tiêu Đại hội XII và Quốc hội đề ra là không dưới 23%, nhưng so với GDP theo cách tính mới thì chỉ được 15% - 16% mà thôi.
Điều này đồng nghĩa với nhiệm vụ thu 20% - 21% GDP theo cách tính mới trong năm tới, thì theo cách tính GDP hiện hành phải là 28% - 30% GDP, nghĩa là không có cách nào khác là tăng thu.
Cho rằng để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, Chính phủ và Quốc hội cần có quyết tâm rất lớn mới hoàn thành, đại biểu này khuyến nghị:
Về chính sách, cần sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách về thu nói chung và các luật thuế nói riêng để đảm bảo tính trung lập của thuế, mở rộng được cơ sở thuế, bảo đảm bao quát hết nguồn thu NSNN. Có cơ chế mạnh hơn nữa với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Về thực hiện, cần quyết liệt hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý, chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, chây ì thuế, nợ thuế, đọng thuế, "thì chúng ta có hi vọng hoàn thành chỉ tiêu huy động", bởi nếu không hoàn thành chỉ tiêu này, thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu vĩ mô khác như bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ và chỉ tiêu trả nợ hàng năm trên NSNN, mà các chỉ tiêu tài chính vĩ mô này liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn tài chính Quốc gia.
Cơ chế 3 - 5 - 7 là gì? Theo giải thích của PVN, với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, phía Việt Nam cam kết cho họ áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu, 3% cho các sản phẩm hóa dầu, 5% cho LPG. Nếu thuế suất nhập khẩu thấp hơn, thì PVN sẽ phải thanh toán cho họ số chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu thực tế và thuế suất 7%, 5%, 3% nói trên. Nhiều năm nay, trong giới đã có tranh cãi về việc đàm phán này bị "hớ", khi ngay sau đó ít lâu, Việt Nam tham gia ATIGA, cam kết thuế LPG về 0% vào năm 2018; xăng không chì RON 92, RON 95, RON 98 về 0% vào năm 2024; còn lại những mặt hàng như dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel cao cấp, FO (dầu nhiên liệu) và lưu huỳnh về 0% vào năm 2016, khiến nghĩa vụ bù thuế ngày càng nhiều. |
Nam Phương
Nguồn: thanhnien.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC