Rừng núi bị bạt để xây dựng khu du lịch văn hoá tâm linh Lũng Cú ở Hà Giang. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng rừng ở Việt Nam bị mất là do Mỹ rải chất độc hoá học trong khi một ĐBQH nói còn do "quản lý bất cập."
Ông Cường hôm 3/11 nói rằng “rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hoá học đã huỷ hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung” trong 30 năm phát triển và cho biết cần phải “phục hồi từng bước.”
Giữa lúc công chúng và các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang mất đi nhiều diện tích rừng do bị chặt phá trái phép và làm thuỷ điện, vị tư lệnh ngành nông nghiệp, trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội ở Hà Nội hôm 3/11, cho biết rằng diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha và có hệ số che phủ rừng gần 42%. Ông Cường cho đây là một “cố gắng vượt bậc” khi so sánh với hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%, theo VGP News.
Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã rải hơn 20 triệu gallon chất diệt cỏ xuống Việt Nam, Lào và Campuchia nhưng chính phủ Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để làm sạch các điểm nóng trong chương trình xử lý môi trường ô nhiễm dioxin ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội ẢNH NGỌC THẮNG
Tranh luận trước phát biểu của ông Cường, đại biểu quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đề nghị người đứng đầu ngành nông nghiệp “trung thực hơn” và cho rằng Bộ trưởng nên nói “mất rừng” là do “quản lý bất cập.”
Theo vị ĐBQH đại diện TP Hà Nội, đợt thiên tai lũ lụt vừa qua ở miền Trung, trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan là “con người đang phá huỷ môi trường và cái giá phải trả quá đắt.” Bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết hiện cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên.
“Xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do ‘Đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất,’” bà Mai nói. “Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích những nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương có rừng.”
Trước đó hôm 2/11, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói tại một phiên họp của Quốc hội rằng “chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thuỷ điện có vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp phép mới.” Theo vị đại biểu tỉnh Quảng Trị, những trận lụt lịch sử như tại miền Trung hiện nay sẽ tiếp tục xảy ra vì những nguyên nhân trên.
Theo Thanh Niên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mất nhiều rừng tự nhiên là một trong những nguyên nhân gây sạt lở, ngập lụt nặng nề.
Giữa các luồng ý kiến khác nhau về thuỷ điện nhỏ, Bộ trưởng Công thương Tần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hôm 2/11 thừa nhận rằng “các hoạt động nhân sinh trong quá trình xây dựng đường sá, thuỷ điện… đóng vai trò ngày càng lớn trong việc gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng các thiệt hại.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/11 yêu cầu “phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng” khi phát biểu trước các đại biểu quốc hội trong một phiên thảo luận.
Các đợt lũ lụt và lở đất ở miền Trung trong vài tuần qua được coi là lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây và đã làm hàng trăm người chết và mất tích. Chính phủ Việt Nam ước tính thiệt hại lên đến 17.000 tỷ đồng trong các đợt bão lũ liên tiếp từ giữa tháng 10 vừa qua.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC