Cùng nhận tiền 'lại quả' nhưng vì sao chỉ bà Đỗ Thị Nhàn bị tội nhận hối lộ?

Đến 11h ngày 11-4, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục tuyên án đối với bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác. Tòa cũng đưa ra nhận định đối với hành vi nhận hối lộ của bà Đỗ Thị Nhàn.

1 Cung Nhan Tien Lai Qua Nhung Vi Sao Chi Ba Do Thi Nhan Bi Toi Nhan Hoi Lo

Bà Đỗ Thị Nhàn tại tòa - Ảnh- HỮU HẠNH

Nhiều lần nhận tiền, quà biếu bỏ qua sai phạm

Theo hội đồng xét xử, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước đã thành lập đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017-2018, và được triển khai thành 2 đợt thanh tra nhằm làm rõ các vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và cho vay, dịch chuyển dòng tiền tại SCB.

Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.

Quá trình thanh tra tại SCB, các bị cáo trong đoàn thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của Ngân hàng SCB để bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB.

Cạnh đó, các báo cáo đề xuất không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra; điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB và dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, trái pháp luật.

Hành vi của các bị cáo tại cơ quan thanh tra dẫn đến Ngân hàng nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB.

Chính việc này đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu, dẫn đến dư nợ của SCB tính đến ngày 17-10-2022 là hơn 667.000 tỉ đồng.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) và các bị cáo khác trong đoàn thanh tra gồm: Nguyễn Thị Phụng, Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Trương Việt Hưng và Nguyễn Duy Phương đã vi phạm các quy định pháp luật về thanh tra, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bà Đỗ Thị Nhàn chủ động cung cấp mật khẩu để nhận hối lộ

Đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), quá trình thanh tra nắm rõ bà Trương Mỹ Lan nắm toàn bộ quyền điều hành SCB nên đã thông qua Võ Tấn Hoàng Văn và 2 lần gặp gỡ bà Lan để trao đổi các nội dung liên quan việc thanh tra.

Sau khi gặp bà Trương Mỹ Lan, bà Đỗ Thị Nhàn nhiều lần nhận tiền từ Ngân hàng SCB (thông qua Võ Tấn Hoàng Văn) với số tiền 5,2 triệu USD.

Sau đó bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Các bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Trương Việt Hưng và Nguyễn Duy Phương không biết việc bà Đỗ Thị Nhàn gặp gỡ, thỏa thuận và nhận tiền từ SCB như trên, nên không đồng phạm với bà Nhàn về tội nhận hối lộ.

Về lời khai của bà Nhàn cho rằng nhận tiền để gia đình an toàn vì thấy nhiều người liên quan chết là không có căn cứ, bởi lẽ những người này tử vong sau khi vụ án được khởi tố và sau khi bị cáo Nhàn nhận tiền.

Bị cáo đã nhiều lần nhận tiền và chủ động cung cấp mật khẩu nhà cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn để Văn mang tiền vào nhà.

Từ những phân tích nêu trên, hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Lan đưa hối lộ và bà Nhàn phạm tội nhận hối lộ.

ĐAN THUẦN - TUYẾT MAI - KHẮC HIẾU

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày