Hè đến, không biết gửi con ở đâu, một số cha mẹ đành chọn cách đem theo con đến công ty - Ảnh: SONG KHUÊ
Làm nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP.HCM), anh Minh Đức mỗi ngày đi hơn 15km tới chỗ làm.
Anh nói: "Mùa học sinh nghỉ hè sắp tới, tôi đang vui vì được mấy tháng sáng sớm đi làm, buổi chiều về đi ngang các trường học không gặp kẹt xe vì phụ huynh đưa rước con. Nhưng cũng nhớ sực ra, vậy là sắp gặp lại những bé... con đồng nghiệp!".
Từ trẻ mẫu giáo đến học sinh lớp 8
Nghỉ học, ba mẹ đi làm không yên tâm để con ở nhà, thì gửi con ở đâu? Chỉ còn cách đem con vào công ty. Vậy nên, "cứ vào hè là công ty tôi như một nhà trẻ mini. Có con nít từ mẫu giáo đến cả lớp 7-8. Nhân viên đem con vào, sếp cũng vậy", anh chia sẻ.
Anh kể có trường hợp vợ chồng cùng làm ở công ty nên phải dắt hai con theo vì không gửi về nội hay ngoại được. Đến trưa, cả nhà bày cơm ra ăn uống, nhìn cũng vui. Tuy nhiên không thiếu cảnh chị vợ nhiều lần phải hò hét, năn nỉ hai "ông trời con" ăn cơm, rồi phàn nàn con làm đổ đồ ăn, phun cơm lên sàn...
Và anh cũng nhận ra đồng nghiệp đưa con theo cũng thấy khó xử.
"Các chị van xin con đừng làm ồn, để các cô chú làm việc. Nhưng lâu lâu, mọi người lại giật mình vì hai, ba bé chơi chung, giành đồ chơi rồi hét toáng. Những bé lớn hơn được mẹ cho chỗ ngồi để làm bài tập, học online trên laptop...".
Chị Ngọc Diệp (31 tuổi, ngụ quận 12) cũng đau đầu chuyện gửi con ở đâu mỗi dịp hè về. Con gái chị học lớp 2. Nơi chị làm việc cũng nhỏ, nên đem con theo chị thấy hơi kỳ.
"Ông bà nội cháu cũng đi làm, bận rộn cả ngày đâu có trông cháu được. Ngoại thì lớn tuổi. Mà hè cháu đi học thêm nên tôi phải đem con theo, có gì còn đưa rước cho dễ", chị Diệp nói.
Con gái chị hiếu động, hay chạy nhảy và hay đặt 1.001 câu hỏi. Năm ngoái, sau khi làm quen các cô chú trong văn phòng, bé hồn nhiên nói chuyện, hỏi đủ thứ.
Trong chỗ làm, một đồng nghiệp của chị cũng chở con theo. Hai bé làm bạn, cùng chơi đùa, tuy có cãi nhau nhưng không đến mức quá ồn ào.
Năm nay, chị tính sẽ đem con theo một tuần vài ngày vào các ngày bé phải học thêm, còn lại thuyết phục cậu mợ mình để gửi con. Tuy nhà cậu mợ hơi xa nhưng mợ mới chuyển sang may gia công tại nhà, có thời gian trông nom bé.
Những chuyện dở khóc dở cười
Bất đắc dĩ phụ huynh phải đem con đến công ty vì để ở nhà không ai chăm nom. Chuyện này cũng dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười.
Anh Minh Đức cho biết những bé nhỏ tuổi dễ thương nhưng "trùm" nghịch ngợm, hay chạy nhảy. Các bé độ tuổi này chơi đùa toàn thời gian vì đâu phải làm bài tập hè. Nên thay vì ngồi làm bài tập hoặc chơi điện tử, xem màn hình máy tính… như các bé lớn, các bé nhỏ chạy tung tăng khắp công ty.
Còn chị Minh Huyền, làm việc tại quận Bình Thạnh, kể phòng chị có một nam đồng nghiệp trẻ, mùa hè hay dẫn em trai vào.
Đang độ tuổi tiểu học, ở quê cha mẹ bận bịu nên gửi em trai vào cho anh chăm nom, sẵn tiện đi chơi thành phố cho biết.
Cậu bé lễ phép, dễ thương nhưng lại hay nghịch ngợm các thiết bị trong văn phòng. Đâu ai nỡ la rầy gì cháu nhỏ vì sợ "cháu lớn" buồn.
Có những hôm, ngày vài ba bận, cậu đồng nghiệp gọi video về quê để em mình báo cáo tình hình với cha mẹ. Cả gia đình nói chuyện rôm rả, mở loa lớn khiến các đồng nghiệp bất đắc dĩ… nghe ké, mất tập trung.
Theo chị Huyền, nếu nhiều người mang trẻ em vào công ty suốt mùa hè mà ngày nào công ty cũng như nhà trẻ thì hết hơi. Thêm nữa, trẻ em giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ, vui chơi khác người lớn.
Đem con đến công ty vào mùa hè là chuyện chẳng đặng đừng. Có lẽ không ai chọn phản ứng gay gắt về chuyện này vì đều hiểu cái khó của đồng nghiệp.
BẠCH VÂN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC