Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 28-5, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có phát biểu tiếp thu, giải trình dự Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
'Hôm nay chúng ta không làm thì con cháu chúng ta sẽ phải làm'
Về vấn đề tòa chuyên biệt, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay cơ bản các đại biểu đều ủng hộ để tăng tính chuyên nghiệp và các nước đã làm.
Liên quan việc tòa chuyên biệt thành lập thế nào, ông Bình nói sẽ báo cáo để Quốc hội quyết định và chắc chắc không có chuyện thành lập tràn lan, chỗ nào cũng có.
Dự kiến của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao chỉ có 1 tòa sở hữu trí tuệ, 2 tòa phá sản và các tòa hành chính chuyên biệt thành lập ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và đang cân nhắc thêm ở Cần Thơ.
Về tòa sở hữu trí tuệ, ông Bình nói chúng ta đang đối mặt với thực tế gạo ST25, cà phê Trung Nguyên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc bị đăng ký sở hữu tại nước ngoài.
Nên rất cần biện pháp bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh thương hiệu quốc gia.
"Nếu như chúng ta phải đối mặt với việc kiện tụng các thương hiệu này, thường thua thiệt về phía Việt Nam vì yếu về tài chính, luật quốc tế. Vì vậy, rất cần có tòa sở hữu trí tuệ", ông Bình nêu.
Về đổi mới tổ chức tòa án (đổi tên) theo thẩm quyền xét xử, cụ thể tòa án cấp tỉnh thành tòa phúc thẩm và tòa án cấp huyện thành tòa sơ thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ chủ trì phiên họp, lãnh đạo Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến, thiết kế thành 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.
Ông nhấn mạnh lập luận của các bên về 2 phương án đưa ra tại dự thảo đều rất sắc xảo, thuyết phục.
Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao vẫn giữ quan điểm phải tổ chức theo thẩm quyền xét xử bởi đã có truyền thống, nghị quyết của Đảng, quy định trong hệ thống pháp luật, Hiến pháp.
"Hiến pháp quy định chúng ta có 2 cấp xét xử và trong luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm chứ không nói nhiệm vụ của tòa huyện, tòa tỉnh.
Tương tự như vậy, tất cả các luật tố tụng đều nói nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Việc đổi mới này phù hợp với tất cả...", ông Bình nói.
Liên quan xu thế quốc tế, ông Bình cho hay một số đại biểu đã nêu. "Có thể bỏ phiếu Quốc hội, kết quả thế nào chúng tôi sẽ chấp hành. Có thể đổi mới, có thể giữ nguyên.
Nhưng có điều chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay chúng ta không làm, con cháu chúng ta sẽ phải làm", ông Bình nói thêm.
Ghi âm, ghi hình: Bên này đồng ý mà bên kia không đồng ý ảnh hưởng đến quyền con người
Đối với vấn đề thông tin tại tòa án (trong đó có ghi âm, ghi hình tại tòa), Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu đã phát biểu tại phiên họp hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Ông cho hay, điều 141 của dự thảo không quy định quyền truyền thông mà chỉ điều chỉnh quy định trong phòng xét xử. Còn ra ngoài ban công phỏng vấn ai, quay phim ai thì đó là quyền.
"Nhưng trong phòng xét xử phải quy định như điều 141 của dự thảo để như đại biểu có nêu là nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự, tôn trọng quyền con người", ông Bình nói thêm.
Theo ông Bình, đại biểu có cho rằng chỉ cần một bên đồng ý có thể ghi âm, ghi hình, tuy nhiên, "bên này đồng ý mà bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người".
Ông dẫn ví dụ, vợ chồng ly dị có rất nhiều lý do. Nếu vợ đồng ý nói trước truyền thông có thể ảnh hưởng đời tư của chồng. Đây là câu chuyện không thể một bên đồng ý mà cho phép truyền thông.
Tương tự vậy, hai doanh nghiệp A và B tranh chấp với nhau, bên nào cũng bảo tôi thắng thì sẽ lấy tư liệu bất lợi cho bên kia, vi phạm đời tư.
Do đó, ông Bình đề nghị xin giữ nguyên như phương án được Tòa án nhân dân tối cao trình.
Bên cạnh đó, ông Bình cũng giải trình thêm về các nội dung liên quan thu thập chứng cứ, vấn đề nguồn thẩm phán...
THÀNH CHUNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC