Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định này, tại Hà Nội sẽ có 3 bệnh viện, TP.HCM có 2 bệnh viện và Thừa Thiên Huế có 1 bệnh viện được quy hoạch trở thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.
Trước đó, trong dự thảo quy hoạch, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Như vậy, theo quyết định này TP.HCM có thêm 1 bệnh viện được nâng cấp.
Bác sĩ sử dụng trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán cho người bệnh.
Việc nâng cấp 6 bệnh viện nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Những bệnh viện này được đầu tư chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân. Đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh/10.000 dân, 19 bác sĩ/10.000 dân, 4 dược sĩ/10.000 dân, 33 điều dưỡng/10.000 dân.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành một số cơ sở y tế hiện đại ngang tầm quốc tế. Phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân.
Đồng thời, mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân, phấn đấu tỷ lệ giường bệnh tư nhân ít nhất chiếm 10% vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023 có 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân, 32 giường bệnh trên 10.000 dân. Với con số này, Việt Nam ngang với Ấn Độ, cao hơn Indonesia, kém một số nước như Australia là 36, Pháp 34, Trung Quốc 22 giường bệnh trên 10.000 dân.
Theo ước tính của Bộ Y tế, hiện năng lực đào tạo bác sĩ trên cả nước vào khoảng 13.000 bác sĩ tốt nghiệp/năm. Đây là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân vào 2025.
Các chuyên gia đánh giá tỷ lệ điều dưỡng, bác sĩ thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới dẫn đến không đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế cho biết sẽ từng bước đảm bảo đủ số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; đưa ra các chính sách đãi ngộ phù hợp, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; xây dựng quy định về tính đúng tính đủ giá dịch vụ để đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện, góp phần tăng thu nhập cho nhân viên; sắp xếp bộ máy y tế cơ sở phù hợp theo quy mô dân số thay vì theo địa giới hành chính.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, quy hoạch hình thành 3 trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực gắn với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur hiện có; phát triển hệ thống phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 3 cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực.
Với lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn, phát triển hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu gắn với các viện chuyên ngành quốc gia. Nâng cấp 2 trung tâm quốc gia về đánh giá tương đương sinh học đạt chuẩn quốc tế.
Lĩnh vực giám định y khoa, giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần, quy hoạch xây dựng mới 1 cơ sở giám định pháp y khu vực tại TP.HCM; 2 cơ sở giám định pháp y tâm thần khu vực tại Nghệ An và TP.HCM.
Ngoài ra, quy hoạch cũng sẽ tập trung phát triển 6 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực hiện có tại các vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Hình thành 2 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cấp vùng tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.
Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 2 khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại miền Bắc (dự kiến tại Bắc Ninh) và miền Nam (dự kiến tại Long An).
NHƯ LOAN
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC