Như đã thông tin, hồi 0h30p ngày 24/5, xảy ra vụ cháy tại địa chỉ số 1 ngõ 43/98/31 Trung Kính (Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) gây hậu quả nghiêm trọng, khiến 14 người chết. 7 người khác may mắn được lực lượng chức năng giải cứu.
Được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải, vợ chồng anh Lê Văn Kh., 35 tuổi và chị Nguyễn Thị X. (quê Phú Thọ) cho biết, họ rất sốc vì vụ cháy gây hậu quả nặng nề.
Anh Kh. chia sẻ trên Tiền Phong, vợ chồng anh thuê phòng tại tầng 2 của ngôi nhà này cách đây 3 tháng. Khoảng 1h10 ngày 24/5, vợ chồng anh đang ngủ thì nghe thấy tiếng hô hoán báo cháy.
Nghe tiếng hô, anh Kh. mở cửa phòng để thoát ra ngoài. Tuy nhiên, thời điểm đó, khói từ tầng 1 bốc lên dữ dội. Ngôi nhà chỉ có lối thoát hiểm là cầu thang bộ, hành lang hở phía trước, ba phía còn lại là tường nhà hàng xóm cao 4-5 tầng, phía trên nhà lợp mái tôn chống nóng và chống thấm bít kín. Chỉ thời gian ngắn sau khi cháy bùng lên, phòng trọ rộng hơn 10m2 của anh Kh. nằm cuối hành lang tầng 2 bị khói bao phủ.
Đánh giá không thể thoát nạn bằng cầu thang bộ, anh Kh. đã nhanh chóng kéo vợ chạy ngược vào nhà vệ sinh sau đó đóng chặt cửa. Anh và vợ cuộn nhiều lớp vải, che khăn ướt lên mũi để hạn chế hít phải khói của đám cháy, chờ người tới cứu nạn.
Sau khoảng thời gian cố bám trụ trong căn phòng ngập khói bụi, anh Kh. nghe tiếng lực lượng chức năng đến hiện trường. Nhận thấy khói đã bớt dần, anh Kh. dắt vợ chạy ra ngoài. Vợ chồng anh sau đó được lực lượng chức năng giải cứu, đưa tới Bệnh viện Giao thông Vận tải, cách hiện trường 2,5 km để cấp cứu với triệu chứng ảnh hưởng hô hấp nhẹ.
Việc vợ chồng anh Kh. thoát hiểm một cách thần kỳ nhờ "trốn" trong nhà vệ sinh - cách làm trái ngược với nhiều hướng dẫn trước đó cho rằng không nên chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh đám cháy, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ ngôi nhà hoặc căn hộ.
Cách làm này thể hiện sự linh hoạt của anh Kh. trong một tình huống cụ thể. Anh đã nắm được không chỉ kiến thức cốt lõi trong tình huống hỏa hoạn mà còn giữ được sự bình tĩnh trước một tình huống hiểm nguy. Sự bình tĩnh đó đã giúp anh hạn chế được tối đa nguy cơ ngạt khói, bỏng nhiệt.
Khi xảy ra cháy, điều rất cần là phải bình tĩnh bởi có rất nhiều người trong lúc hoảng loạn mở cửa hành lang để tìm lối thoát. Tuy nhiên khói, khí độc có thể khiến nạn nhân ngất, choáng váng, hôn mê. Bởi khi xảy ra cháy ở tầng 1, toàn bộ sức nóng và khói độc sẽ theo hướng cầu thang đi lên. Lúc này nếu người dân mở cửa phòng ra để tìm lối thoát, khói độc sẽ tràn vào trong phòng và khi hít phải có thể gây ngạt thở thậm chí tử vong.
Hai vợ chồng đang được điều trị tại bệnh viện
Theo BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện 19-8 trả lời trên Báo Sức khỏe & Đời sống: Khí độc sinh ra trong các đám cháy chủ yếu là CO (Carbon monoxide), khi cơ thể hít phải sẽ gặp tình trạng thiếu oxy dẫn tới suy hô hấp và chết ngạt. Khi có cháy và sinh ra khói/khí độc, lượng oxy trong không khí sẽ bị đốt cháy rất nhanh. Do vậy người dân cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tránh hít khí độc vào đường hô hấp mũi, miệng, phổi. Với những căn hộ ở tầng lửng, rất khó để di chuyển lên/xuống tìm lối thoát nạn.
Khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói.
Một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm.
Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người hoặc di chuyển bằng cách bò xuống sát dưới nền đất vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.
BS Nguyễn Quốc Hùng cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống hướng dẫn, để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta cần nhớ các bước sau:
Nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín.
Khi xung quanh có quá nhiều khói, để không hít phải quá nhiều khí độc, chúng ta cần hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối (vì khí thường sẽ lơ lửng ở trên).
Tìm một mảnh vải thấm nước làm ẩm, sau đó đưa lên gần mũi miệng, mảnh vải ẩm này có công dụng lọc khí độc. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng.
Để giảm ngạt khí khi có đám cháy nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín
Còn theo Bộ Công an, trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên của ngôi nhà, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên. Tuy nhiên, khi xả nước trong ngôi nhà, cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
Một số cách thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra đối với nhà độc lập, liền kề:
Để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết chúng ta phải xác định được lối ra an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy. Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm… Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý một số vấn đề sau:
- Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo;
- Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như:
+ Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc;
+ Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận;
+ Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc;
- Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà , có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm thì hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh;
- Trong tất cả các trường hợp, khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy;
Đối với căn hộ ở các chung cư nhiều tầng, cao tầng
Ở các nhà chung cư nhiều tầng, cao tầng thì các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt). Khi xảy ra sự cố cháy trong các công trình cao tầng, để thoát nạn an toàn mọi người cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Trên hành lang của tòa nhà dẫn từ các căn hộ đến các lối thoát nạn thường có các biển chỉ dẫn, người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên chỉ dẫn để đến buồng thang thoát nạn. Tại lối vào buồng thang (bên trong nhà) hoặc cầu thang hở (bên ngoài) sẽ có đèn chỉ dẫn ký hiệu "EXIT", khi vào buồng thang mọi người sẽ di chuyển xuống dưới và ra nơi an toàn (hình 30);
- Để thoát nạn an toàn mọi người chỉ được dùng thang bộ (Hình 30a), tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn (Hình 30b), bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
- Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy, kịp thời thoát nạn.
- Trong quá trình thoát nạn mọi người hãy hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt chú ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ đang mang thai (Hình 32). Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.
- Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn (Hình 33);
- Trong tất cả các trường hợp tuyệt đối không vội vàng nhảy từ trên cao xuống dưới để thoát nạn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn như đệm hơi hoặc một số phương tiện bảo hộ khác đã được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai phía dưới.
Theo Gia đình và xã hội
© 2024 | Thời báo ĐỨC