Cao tốc Bắc Nam: Hủy thầu quốc tế, nhà thầu trong nước lấy vốn ở đâu?

Việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng, trong khi đó dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

132 1 Cao Toc Bac Nam Huy Thau Quoc Te Nha Thau Trong Nuoc Lay Von O Dau

dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam khoảng tháng 2/2020.

Hủy sơ tuyển không cần lý do

Theo sự phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa gửi báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT cho biết, hiện đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Công tác thẩm định thiết kế đã được thực hiện từ tháng 8/2019, phê duyệt toàn bộ các gói thầu thiết kế kỹ thuật khoảng tháng 10/2019 và phê duyệt dự toán khoảng tháng 11/2019.

Về sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án này, để đáp ứng yêu cầu đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT đã lựa chọn các đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Đến ngày 15/5/2019 đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư. Sau 2 tháng để chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, đến ngày 15/7/2019, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

Đến ngày 26/8/2019, các Ban quản lý dự án đã trình kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển.

Theo kết quả đánh giá của Bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định, cho thấy:

Có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Đáng lưu ý, ngày 14/9/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án với mục tiêu phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Việc hủy sơ tuyển nêu trên đã được quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành "bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kỳ lý do nào".

Hoàn tất lựa chọn nhà đầu tư tháng 2/2020

Để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Ngày 10/10/2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2/2020.

Bộ GTVT cho rằng, do hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiếu, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng... nên dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế; nội dung này đã được phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của Bên mời thầu như nêu trên (nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển), cho thấy tính cạnh tranh không cao.

Một trong những khó khăn lớn là về nguồn vốn triển khai cho 8 dự án này, bởi việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước.

Trong khi đó dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 01/01/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.

“Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho Dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án”, báo cáo nêu.

Đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của toàn bộ 11 dự án thành phần. Tổng chiều dài toàn tuyến là 654,3 Km, cơ bản không đổi so với Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Tổng mức mức đầu tư của 11 dự án là 102.513 tỷ đồng, gồm 50.811 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (trong đó 03 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là 14.279 tỷ đồng và 08 dự án đầu tư theo hình thức PPP là 36.532 tỷ đồng) và 51.702 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

 

Luân Dũng

Nguồn: Báo Tiền Phong Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày